Vingroup (VIC): Doanh thu bán niên giảm gần một nửa, vẫn lãi ròng hơn nghìn tỷ

Diên Vỹ 07:34 | 01/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 với doanh thu thuần 6 tháng đạt 31.613 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 1.065 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng mạnh, lãi ròng 6 tháng vượt 1.000 tỷ

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm đạt 31.613 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 60.737 tỷ đồng). 

Mức giảm chủ yếu đến từ doanh thu các mảng kinh doanh chuyển nhượng bất động sản (đạt 9.058 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái) và doanh thu bán hàng từ hoạt động sản xuất & hoạt động liên quan (đạt 6.303 tỷ đồng, giảm 32%). 

Trong khi đó, doanh thu mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan tăng 80% lên 3.388 tỷ đồng. Doanh thu mảng cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan cũng tăng 44% lên 1.881 tỷ đồng.

 

Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính lại ghi nhận 21.090 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do lãi từ chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính đạt 19.592 tỷ đồng so với mức chỉ 9.693 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của Vingroup, phần lãi từ chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính; chủ yếu đến từ các giao dịch sau: (1) chuyển nhượng 100% tỷ lệ sở hữu tại Công ty Nguyên Phú hồi tháng 3/2022 với tổng giá chuyển nhượng 1.890 tỷ đồng, lãi từ giao dịch 1.002 tỷ đồng; (2) chuyển nhượng 100% tỷ lệ sở hữu tại Công ty VinWonders Nha Trang vào tháng 6/2022 với tổng giá chuyển nhượng 9.829 tỷ đồng, lãi từ giao dịch 6.902 tỷ đồng; (3) chuyển nhượng 4,5% cổ phần trong công ty du lịch Phú Quốc vào tháng 3/2022 với tổng giá chuyển nhượng 1.688 tỷ đồng, lãi từ giao dịch 1.336 tỷ đồng; (4) thanh lý khoản đầu tư vào One Mount Group với giá trị thanh lý 524,5 tỷ đồng.

Thu nhập khác cũng tăng lên 5.283 tỷ đồng so với mức 355 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; nhờ khoản Lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định 4.474 tỷ đồng (được Vingroup lý giải chủ yếu bao gồm lãi từ giao dịch thanh lý tài sản xe xăng cho Tập đoàn Đầu tư Việt Nam theo các hợp đồng chuyển nhượng tài sản liên quan riêng biệt đến sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong - tài sản ICE).

Về chi phí, 6 tháng đầu năm 2022, Vingroup ghi nhận chi phí tài chính đạt 6.951 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái; chủ yếu do khoản Lỗ chênh lệch tỷ giá tăng 15 lần lên 1.283 tỷ đồng.

Dù vậy, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm lần lượt 3% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí thuế TNDN hiện hành cũng giảm 42% tương ứng với lợi nhuận giảm.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Vingroup đạt 1.065 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cổ phiếu VIC của Vingroup sẽ được cấp margin trở lại trong thời gian tới. Theo quy định, cổ phiếu của một công ty sẽ bị cắt margin khi ghi nhận lỗ trên BCTC bán niên hoặc BCTC năm. Trước đó, cổ phiếu VIC đã bị cắt margin từ ngày 5/4 vì ghi nhận lỗ 7.558 tỷ đồng năm 2021.  Nguyên nhân lỗ do tài trợ 6.072 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống COVID-19 và trích lập dự phòng 4.494 tỷ đồng để thanh toán cho các khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng liên quan đến quyết định ngừng sản xuất xe xăng để tập trung cho mảng xe điện. 

 

Nghĩa vụ trả nợ tăng 48% so với đầu năm

Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Vingroup đạt 528.958 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm và là doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong số các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 257.500 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 271.458 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tính tại ngày 30/6 đạt 42.209 tỷ đồng, tăng 130% so với số đầu năm. Trong đó, các khoản tương đương tiền tăng 4 lần từ 8.022 tỷ đồng vào đầu năm lên 32.851 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 45% lên 104.422 tỷ đồng. Ở khoản mục này, Vingroup dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 839 tỷ đồng, do khoản nợ xấu (bao gồm khoản phải thu quá hạn thanh toán và khoản cho vay quá hạn thanh toán) lên tới 2.088 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 1.249 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của Vingroup, tổng nghĩa vụ trả nợ của Vingroup tính đến ngày 30/6/2022 là 396.914 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 264.120 tỷ đồng (tăng 61%) và nợ dài hạn là 132.794 tỷ đồng (tăng 9%). 

Vay và nợ ngắn hạn tăng hơn gấp đôi so với đầu năm lên 45.924 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 25.658 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả ; 15.321 tỷ trái phiếu dài hạn đến hạn trả và 4.945 tỷ vay ngắn hạn tại các ngân hàng, cụ thể: ngân hàng Techcombank (2.369 tỷ đồng), ngân hàng Vietcombank (495 tỷ đồng), BIDV (498 tỷ đồng), VPBank (808 tỷ đồng), Bank of China - Hong Kong chi nhánh TP HCM (505 tỷ đồng), MBBank (125 tỷ đồng) và Sacombank (145 tỷ đồng).

Như vậy, trong số 264.120 tỷ đồng nợ ngắn hạn của Vingroup tính đến ngày 30/6/2022, chỉ có 4.945 tỷ đồng là vay ngắn hạn tại các ngân hàng, tương đương gần 1,9%.

 Nguồn: BCTC bán niên hợp nhất soát xét của Vingroup.

Vay và nợ dài hạn tăng gần 9% lên 110.949 tỷ đồng. bao gồm 48.892 tỷ đồng vay dài hạn và gần 62.058 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.

Các bên cho vay dài hạn của Vingroup bao gồm các ngân hàng Vietcombank (6.716 tỷ đồng), BIDV (912 tỷ đồng), Techcombank (2.984 tỷ đồng) và MBBank (83 tỷ đồng); còn lại là các đối tác doanh nghiệp và các bên thu xếp tín dụng…

Ngoài ra, cũng theo báo cáo tài chính, trong 62.058 tỷ đồng trái phiếu dài hạn của Vingroup thì 50.761 tỷ đồng trái phiếu được lưu ký hoặc bảo lãnh phát hành bởi CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (Techcom Securities), 998 tỷ đồng trái phiếu được lưu ký hoặc bảo lãnh bởi Chứng khoán KB Việt Nam, còn lại là lưu ý hoặc bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế.

Tại ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của Vingroup đạt 132.044 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường.