Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 11 tăng trưởng âm khi xuất khẩu sang loạt thị trường lớn sụt giảm
Theo đó, doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn ghi nhận 893 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 13% so với tháng 10.
Trong đó, doanh thu từ cá tra - mặt hàng mang lại nguồn thu chính của Vĩnh Hoàn giảm 22% so với cùng kỳ về 480 tỷ đồng. Đây cũng là tháng duy nhất kể từ đầu năm tính đến thời điểm hiện tại mảng này ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu bánh phồng tôm giảm 66% về 21 tỷ đồng; và doanh thu từ các sản phẩm khác tăng 16% lên 202 tỷ đồng.
Xét về thị trường, Vĩnh Hoàn cho biết trong tháng 11, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu khó khăn khi doanh thu từ thị trường chủ lực là Mỹ giảm 13% so với cùng kỳ về 361 tỷ đồng; châu Âu giảm 20% về 111 tỷ đồng; Trung Quốc giảm 60% về 63 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường trong nước tăng 17% lên 230 tỷ đồng; và các thị trường khác tăng 47% lên 129 tỷ đồng.
Còn nếu so với tháng 10, doanh thu từ thị trường Mỹ giảm 12%, thị trường châu Âu giảm 15%, thị trường Việt Nam giảm 14%, thị trường Trung Quốc tăng 11% và các thị trường khác giảm 21%.
Nếu so với các tháng từ đầu năm, doanh thu xuất khẩu tháng 11 ghi nhận thấp thứ hai trong năm, chỉ sau tháng 1. Đây cũng là tháng duy nhất trong năm đánh dấu sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 11/2022 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý IV/2022.
"Dự báo tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ", bà Lê Hằng nhận định.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, dự báo tình hình ngành thủy sản năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức do phụ thuộc vào tình hình thế giới vì thị trường Trung Quốc chưa thể mở cửa sớm được trong cuối năm nay. Song song đó, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hoãn đến cuối quý I/2023.
Tuy nhiên, thị trường không thể xuống mãi. Nếu thị trường lên ở giai đoạn cuối quý I/2023, có thể dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 ở mức trên 10 tỷ USD. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố lại vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu và đồng thời là có thể là nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn sắp tới.