VNDirect: Những gì tồi tệ nhất với thị trường chứng khoán dường như đã qua
Theo công ty chứng khoán này, vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn nhưng VNDirect nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện, bao gồm lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt, Fed giảm thắt chặt chính sách tiền tệ, NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM và Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành theo hướng nới lỏng một số quy định so với các dự thảo trước đó.
Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kỳ vọng VN-INDEX sẽ dao động trong vùng1.180-1.260 điểm trong tháng 8/2022. Thanh khoản thị trường sẽ vẫn ở mức thấp. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) vào lúc này để giảm thiểu rủi ro.
Rủi ro điều chỉnh đối với thị trường có thể là lạm phát cao hơn dự kiến do giá lương thực tăng cao, đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái, lãi suất và đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Trước đó, VNINDEX đảo chiều phục hồi sau khi đóng cửa mức thấp nhất là 1.149,6 điểm trong phiên ngày 6/7, và chốt tháng 7 tại mức 1.206,3 điểm (+0,7% so với đầu tháng, - 19,5% so với đầu năm). Sự hồi phục đáng khích lệ của thị trường trong hai tuần cuối tháng 7 được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế Việt Nam phục hồi 7,7% so với cùng kỳ, đây là tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 cao nhất kể từ năm 2011. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 7 cũng là yếu tố rất đáng chú ý. Cuối cùng là niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát giá cả hàng hóa và lạm phát sau các động thái vừa qua của Chính phủ.
Theo các chuyên gia củaVNDirect, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những tác động bên ngoài để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm. Kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,8% nửa cuối năm 2022 ( -0,2% nửa cuối 2021), nâng tăng trưởng cả năm lên 7,1% (+/-0,3 điểm %).
Những hỗ trợ chính có thể đến từ mức nền thấp trong Q3/21 khi GDP Việt Nam giảm 6,0%. Việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch, và giải trí và các gói kích thích kinh tế (giảm 2% VAT, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, ...) hay dòng vốn FDI được phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ cũng sẽ là những động lực quan trọng giúp những tháng cuối năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Một điểm rất đáng quan tâm trong thời điểm cuối năm là việc nhiều tổ chức và cá nhân kỳ vọng NHNN sẽ nới room tín dụng. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô/kiểm soát lạm phát và nâng cao tính bền vững của thị trường, NHNN đang cân nhắc kỹ khi đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 (+9,35% sv đầu năm), nhưng nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao từ đầu năm. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, các ngân hàng có thể phải đợi đến ít nhất là cuối Q3/22 để được nới “room” tăng trưởng tín dụng.VNDirect tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức cao 14% trong năm 2022.