Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt 10,8 tỷ USD: Cần lưu tâm chất lượng dự án

Nguyễn Thị Thùy Dung 12:38 | 28/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

4 tháng đầu năm, thu hút FDI đạt 10,8 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 đạt 10,8 tỷ USD. 

Trong đó, vốn FDI đăng ký cấp mới đạt gần 3,7 tỷ USD với 454 dự án, tức giảm 56,3% về số vốn nhưng tăng 0,7% về số dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút nhiều dự án FDI đăng ký cấp mới nhất, chiếm lần lượt 28,6%, 25,8% và 18,1% tổng số dự án.

Vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng tính đến 20/4/2022 ước đạt gần 5,29 tỷ USD cho 323 lượt dự án, tức tăng 92,5% về số vốn và tăng 22,8% về số dự án. Ngoài ra, giá trị vốn góp đạt trên gần 1,83 tỷ USD cho 1.026 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 74,5% về số vốn dù giảm 10,9% về số lượt dự án.

Xét theo lĩnh vực nhận vốn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, 3 ngành hút vốn FDI nhiều nhất 4 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký), kinh doanh bất động (2,8 tỷ USD, chiếm 26,1%) và bán buôn bán lẻ (667,8 triệu USD, chiếm khoảng 6,2%. Ngoài ra, các hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ cũng thu hút gần 357,5 triệu USD vốn đầu tư trong kỳ, một con số ấn tượng.

Còn xét theo địa phương nhận vốn, vốn FDI đã rót vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu về đón vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD, TP Hồ Chí Minh vượt lên xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỷ USD.

Về số dự án mới, các địa phương đón dự án FDI nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm vẫn là các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (39,9%), số lượt GVMCP (70,4%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,6%, sau Hà Nội là 16,1%).

Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Về tổng vốn đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về giá trị các dự án FDI tại Việt Nam với 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn FDI 4 tháng đầu năm. Hàn Quốc đứng thứ hai với FDI trên 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD; Đan Mạch là quốc gia đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Còn về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có số lượng nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư nhất trong 4 tháng đầu năm; chiếm tới 18,7% số dự án đăng ký mới vào Việt Nam, 33,7% số lượt điều chỉnh vốn và 37,3% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Lưu tâm hơn nữa vấn đề chất lượng vốn

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 3,7 tỷ USD với 454 dự án, như vậy số vốn bình quân cho mỗi dự án đăng ký cấp mới là 8,15 triệu USD/ dự án, thấp hơn mức 18,76 triệu USD/ dự án cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định với Doanh nhân Việt Nam về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vốn FDI thực hiện của cả nước ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021 là tín hiệu đáng lạc quan. Tuy nhiên, cần lưu ý đến chất lượng dự án, tiến tới hạn chế các dự án quy mô nhỏ lẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Vị chuyên gia kinh tế nhắc lại nội dung Nghị quyết số 50 -NQ / TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh dòng vốn FDI theo hướng khuyến khích các FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, các FDI có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, có chuyển giao công nghệ hoặc có kết nối giúp phát huy nội lực của doanh nghiệp Việt, đồng thời đảm bảo các điều kiện môi trường. “Nghị quyết đã làm rõ chủ trương, vấn đề là khâu thực hiện. Không thể để các địa phương chạy đua đón FDI để rồi bỏ qua những tiêu chí mà chính Đảng, Bộ Chính trị đã đặt ra về chất lượng”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

“Nếu chính bản thân các địa phương đón FDI không lưu tâm đến vấn đề chất lượng, rất dễ xảy ra tình trạng khối FDI rót vốn vào Việt Nam, tận dụng Việt Nam như một thiên đường có lao động rẻ, tài nguyên dồi dào và dễ dãi về môi trường. Thêm nữa là tận dụng vị thế, cơ hội của Việt Nam khi nước ta tham gia vào một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây”, vị chuyên gia kinh tế nói thêm.

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đưa ra quan điểm tương tự bà Phạm Chi Lan, rằng cần lưu tâm hơn nữa đến vấn đề chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam. 

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Trao đổi với PV vào đầu năm 2022, GS. Nguyễn Mại nhận định thực trạng thu hút FDI năm 2021 vẫn chưa đạt yêu cầu mà Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khóa trước đưa ra là quan tâm đến các dự án trong các ngành công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thành phố thông minh…; hay chuyển hướng sang các dự án kinh tế số, kinh tế xanh. Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, nguyên nhân chủ quan mà GS. Nguyễn Mại chỉ ra là Việt Nam chưa tìm đến các nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện các dự án lớn, dự án công nghệ cao như vậy.

“Nghị quyết 50 đã đặt ra một vấn đề quan trọng là xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án đầu tư nước ngoài. Bởi cho đến nay, cách chúng ta nhìn các dự án FDI vẫn như “thầy bói xem voi”, ông đứng nơi này bảo thế này, ông đứng nơi khác bảo thế khác. Chưa có một tiêu chí quốc gia để đánh giá một cách khách quan, khoa học hiệu quả dự án đến đâu”, GS. Nguyễn Mại cho hay. 

Ngoài ra, Chủ tịch VAFIE cho rằng rất cần khắc phục tình trạng địa phương cạnh tranh với nhau để đưa FDI vào bằng những ưu đãi quá mức, làm giảm lợi ích mà FDI mang lại cho nền kinh tế.

“Về địa phương đầu tư, có xu hướng số lượng dự án FDI thường tập trung ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội, nhưng đây đều là các dự án nhỏ, ít có dự án công nghệ tương lai. Tôi cho rằng đây là nhược điểm vì nếu 2 đầu tàu kinh tế mà không vươn lên được, không hút được các dự án công nghệ nguồn thì khó trở thành động lực thúc đẩy toàn nền kinh tế… Còn về tận dụng các lợi thế từ FTA, đã gần 2 năm chúng ta thực thi CPTPP, hơn một năm thực hiện EVFTA và UVFTA, nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm đến thúc đẩy thương mại mà chưa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư từ các thị trường thành viên”, ông Nguyễn Mại nhận định.