Vốn xanh chờ khơi nguồn
Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường đang ngày càng lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”.
Do đó, để thúc đẩy tài chính xanh phát triển, Việt Nam từng bước hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh từ sớm. Cách đây 10 năm (vào năm 2014), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020.
Đến năm 2021, Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Các văn bản quy phạm pháp luật của ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững. Chính sách huy động cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn cũng như từ khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định: Với tinh thần quyết tâm sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững… Bên cạnh nguồn lực công, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.
Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án, công trình xanh như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD
Về cổ phiếu xanh, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG, công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh, nhưng đến nay, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế và trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa có nhiều. Điều này cho thấy, vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam còn khá thấp, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này. Chính vì thiếu nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và không hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành.
Để phát triển tài chính xanh, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường. Các doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc xanh hoá hoạt động kinh doanh; đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội.
Dù điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng theo Bộ Tài chính, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm được bố trí đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Bình quân 5 năm trở lại đây, chi ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng/năm. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Từ đó, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Cùng với đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật của Việt Nam từng bước được hoàn thiện, quy định về các sản phẩm tài chính xanh như: trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như các chính sách ưu đãi đối với tài chính xanh. Đặc biệt, trong đó có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh như được hưởng ưu đãi giảm về giá dịch vụ chứng khoán./.