VPBank trình cổ đông phương án tăng vốn lên 79.334 tỷ, "lấn sân" sang lĩnh vực mới

Nguyễn Thị Thùy Dung 12:07 | 09/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông năm 2022 vào 29/4 tới đây. Không chỉ đặt kế hoạch tăng vốn khủng lên hơn 79.000 tỷ đồng, tăng trưởng lãi 107%, VPBank còn chuẩn bị lấn sân sang một số mảng kinh doanh mới.

VPBank trình kế hoạch tăng vốn lên 79.334 tỷ đồng

Theo tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022 vừa được công bố, VPBank dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ bằng các Phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn cổ phầnPhương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài

Chi tiết phương án tăng vốn được chia làm hai đợt, dự kiến khi hoàn tất đợt 2, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ mức 45.056 tỷ đồng hiện nay lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, ở đợt 1, phương án tăng vốn từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.

Ở đợt 2, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số cổ phần phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.

Theo đó, VPBank sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến trong năm 2022.

Nguồn vốn thu được sẽ được sử dụng nhằm tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn/mua cổ phần, mua công ty con, công ty liên kết, hợp tác khác với các tổ chức tín dụng và các công ty con, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động...

Ngoài ra, VPBank dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ với giá bán dự kiến 10.000 đồng/ cổ phiếu.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và giải tỏa dần theo tỷ lệ 30%, 35%, 35% qua các năm. Số tiền thu được từ phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động của ngân hàng.

Kế hoạch kinh doanh nhiều đột phá

Về kế hoạch kinh doanh, VPBank dự kiến trình cổ đông thông qua nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2022: tổng tài sản đạt tăng 27% lên 697 nghìn tỷ đồng; tiền gửi tăng 28%, tín dụng tăng 35%. 

Đáng chú ý, VPBank trình ĐHĐCĐ kế hoạch lợi nhuận đạt 29.662 tỷ đồng, tức tăng 107% so với năm 2021.

Như vậy, trong số các ngân hàng TMCP tư nhân đã công bố mục tiêu lợi nhuận 2022 đến nay, VPBank là ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất. Ngân hàng cho biết các chỉ tiêu kế hoạch trình cổ đông đều được xây dựng dựa trên các giả định, phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, kế hoạch tăng trưởng chung của ngành và năng lực thực tế. 

Ngoài ra, VPBank còn trình cổ đông thông qua phương án góp vốn, mua cổ phần đối với Công ty cổ phần bảo hiểm Opes - doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm, quản lý quỹ và đầu tư vốn tại Việt Nam. Theo phương án dự kiến trình ĐHĐCĐ, VPBank sẽ mua trên 90% vốn của Opes và đưa Opes thành công ty con của Ngân hàng. Giá mua dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của Công ty.

Đồng thời, VPBank có kế hoạch góp vốn bổ sung vào công ty con là Công ty chứng khoán ASC (đã đổi tên thành VPBank Securities) với tổng mức đầu tư, góp vốn tối đa dự kiến 15.000 tỷ đồng.