VRDF 2019: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam
Phiên toàn thể Diễn đàn VRDF 2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì.
Các công đoạn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam đều hạn chế
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng: Một chuỗi giá trị là tất cả các khâu, các bước trong kinh doanh để đưa sản phẩm, dịch vụ từ dây chuyền đến nhà kho, người dùng, xuyên biên giới. Các quốc gia có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cả trong công đoạn trước và sau, nhưng mới ở mức hạn chế.
Tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn
Chia sẻ kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết, Malaysia đã sai khi chỉ tập trung vào giáo dục đại học, mà lơ là đào tạo nghề. Đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải.
Malaysia đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Nước này cũng đang chịu tác động của hàng loạt vấn đề như tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực khác nhau, năng suất lao động thấp, chi phí sống tăng lên, dư địa tài khóa hạn hẹp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…
Ông K. Yogeevaran thừa nhận tại Malaysia, có giai đoạn phần lớn FDI chỉ đầu tư vào công nghệ thấp và các ngành thâm dụng lao động. Malaysia đã mất cân đối ở thị trường lao động - có tới 48% nhân lực là lao động có kỹ năng, trong khi nhu cầu của thị trường chỉ là 5%. Điều này cũng dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tương đối cao, do đối tượng này thường được đào tạo bài bản ở bậc đại học. Đây là sai lầm mà nước này gặp phải.
Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia, ông K. Yogeevaran cho biết, vấn đề của Malaysia cũng là năng suất, giống như Việt Nam: “Vấn đề năng suất phải được xử lý ở cả 3 cấp, bao gồm cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong và quan trọng”.
Bài học mà ông K. Yogeevaran đưa ra tại Diễn đàn là tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn, mà cần tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo.
“Đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế; phải cải cách thể chế và quản trị để hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và đảm bảo rằng, FDI sẽ đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế trong nước. Chúng tôi cũng xác định phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và tăng cường phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông K. Yogeevaran nói.
OECD cố gắng xây dựng và cung cấp khung ưu tiên cho Việt Nam
Tại Diễn đàn, TS. Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: Các khu vực khác nhau ở Việt Nam có chênh lệch lớn về tốc độ phát triển và Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất nhằm khắc phục tình trạng này.
Theo TS. Jan Rielaender, giá trị GDP của Việt Nam đạt ở mức trung bình, nhưng Việt Nam đạt kết quả tốt về phát triển hạ tầng, nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế. Tuy nhiên, vấn đề việc làm hay ô nhiễm môi trường do tăng trưởng nhanh gây ra đang là thách thức đáng kể đối với nền kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có kế hoạch phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn.
TS. Jan Rielaender đề xuất: Về mặt thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để doanh nghiệp nắm bắt thị trường vận hành ra sao và đúng theo quy định pháp luật.
“OECD đang cố gắng xây dựng và cung cấp khung ưu tiên cho phía Việt Nam, trong đó đề cập đến việc tập trung liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị, tăng cường kết nối giữa khu vực công - tư, ưu tiên cho đầu tư giáo dục, đảm bảo bền vững môi trường”, TS. Jan Rielaender nói.