VSIP II Quảng Ngãi có thể bắt đầu cho thuê từ quý III/2025, chủ đầu tư dự phóng doanh thu khủng
Cần chuyển đổi 145 ha đất lúa nước
Tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1), thuộc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi.
VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) có tổng diện tích khoảng 498 ha, nằm trong địa giới hành chính của xã Bình Hiệp (209 ha) và xã Bình Thanh (289 ha), huyện Bình Sơn.
Phía bắc dự án giáp khu dân cư hiện trạng và đất nông nghiệp; phía nam giáp đồi núi và nghĩa trang Sơn Viên Lạc Cảnh; phía đông giáp quy hoạch đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; phía tây giáp đường Quốc lộ 1A.
Về hiện trạng, chiếm phần lớn diện tích dự án hiện nay là đất nông nghiệp với 421,5 ha (trong đó có 60,5 ha đất rừng sản xuất); đất ở chiếm 17 ha; đất nghĩa trang 2,9 ha; đất sông suối 26 ha; đất giao thông gần 11 ha và đất chưa sử dụng gần 20 ha. Việc thực hiện dự án phải chuyển mục đích sử dụng 145 ha đất trồng lúa nước.
Trong khu vực đề xuất dự án chủ yếu là các tuyến đường bê tông xi măng nông thôn với bề rộng 3 - 5 m. Khu nghĩa trang chủ yếu là do người dân tự phát. Trong khu vực không có di tích lịch sử văn hóa.
Tại khu đất có khoảng 140 hộ dân đang sinh sống, dân số khoảng 650 người, trong đó 450 người ở độ tuổi lao động sống bằng nghề nông và làm việc lại cho các nhà máy tại KCN VSIP Quảng Ngãi và trong KKT Dung Quất.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 348 ha cho các công trình công nghiệp, kho tàng với mật độ xây dựng 70%, cao tối đa 5 tầng; hơn 6 ha đất thương mại dịch vụ với mật độ xây dựng 60%, cao tối đa 10 tầng; đất cây xanh được bố trí hơn 50 ha; đất giao thông gần 66 ha và đất hạ tầng kỹ thuật là gần 8 ha.
Giai đoạn hoạt động, số lượng lao động tại khu điều hành - dịch vụ của dự án là 219 người; số lượng công nhân viên dự kiến được tạo việc làm là 49.000 người.
Công trình thương mại dịch vụ sẽ được bố trí tại trung tâm trục chính vào KCN, là tuyến đường N4 kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1A (phía tây dự án).
Hệ thống giao thông tổ chức theo ô bàn cờ, thuận lợi cho việc giao thông và phân luồng. Các lô đất công nghiệp đều tiếp giáp với hệ thống đường nội bộ, bố trí tập trung theo nhóm ngành và nhu cầu sử dụng đất của từng loại hình công nghiệp theo định hướng thu hút đầu tư.
Việc kết nối KCN với giao thông đối ngoại tại 2 vị trí cổng vào. Cổng số 1 kết nối ra Quốc lộ 1A nằm ở phía tây dự án thông qua tuyến đường N4. Đường N4 có quy mô mặt cắt ngang 55 m (30 m lòng đường), thuận lợi cho việc đấu nối với Quốc lộ 1A, trở thành cổng chính của dự án. Cổng số 2 nằm ở vị trí đấu nối ra đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi phía đông của dự án thông qua tuyến đường N4.
Hệ thống giao thông nội bộ sẽ có trục đường N4; trục đường D2 rộng 47 - 72 m (đường Châu Ổ - Tịnh Phong nhánh đông, chạy song song quốc lộ 1A); trục đường H6 rộng 27 m là đường vành đai phía nam dự án; trục đường V1 kết nối đường N4 với khu vực phía nam dự án; trục đường V2 kết nối dự án với đường Võ Văn Kiệt; trục đường H1, V6 rộng 19,25 m là tuyến đường vành đai của dự án...
Có thể thu về 252 triệu USD nhờ cho thuê đất
Trong một báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết, KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) sẽ được chia thành hai giai đoạn là 1A và 1B.
Đối với giai đoạn 1A, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ thực hiện trong quý IV/2023 - quý III/2024; bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý IV/2024 - quý IV/2027; thủ tục xin thuê đất thực hiện trong quý II/2025 - quý IV/2028; thực hiện san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý III/2025 - quý III/2029; có thể bắt đầu kinh doanh từ quý IV/2025.
Còn với giai đoạn 1, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ thực hiện trong quý IV/2023 - quý III/2024; bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý I/2027 - quý II/2029; thủ tục xin thuê đất thực hiện trong quý III/2027 - quý I/2030; thực hiện san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý I/2028 - quý III/2030; có thể bắt đầu kinh doanh từ quý IV/2028.
Đối với khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự kiến mỗi năm bồi thường khoảng 75 - 85 ha. Với thủ tục xin thuê đất, mỗi năm xin thủ tục thuê đất khoảng 75 - 85 ha. Còn tiến độ xây dựng hạ tầng sẽ tùy thuộc vào tiến độ xin thuê đất, bàn giao mặt bằng.
Tổng mức đầu tư của KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) là 3.737 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 560,5 tỷ đồng; vốn vay là 1.121 tỷ đồng; vốn huy động khác là 2.055 tỷ đồng.
Dự kiến khi dự án sẽ bắt đầu đi vào kinh doanh tiếp thị thu hút nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu vào quý III/2025, kế hoạch cho thuê từ 25- 50 ha/năm với giá cho thuê dự kiến 65 - 80 USD/m2, tổng doanh thu đến năm 2032 dự kiến là 252,55 triệu USD, tương đương 5.864 tỷ đồng.
VSIP còn 5 dự án chờ khởi công trong 2024
Theo thống kê của người viết, trong năm 2024, dự kiến VSIP sẽ triển khai xây dựng khoảng 5 dự án công nghiệp, đô thị.
Hồi tháng 3/2023, VSIP Nghệ An đã công bố một báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc (giai đoạn 1) tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú và Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Dự án này có diện tích 500 ha, tổng mức đầu tư 3.827 tỷ đồng, tương đương khoảng 165 triệu USD. Chủ đầu tư cho biết, giai đoạn từ năm 2024 đến quý cuối năm 2027 sẽ tiến hành xây dựng nhà điều hành, đường giao thông, mạng lưới thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, mạng lưới thông tin liên lạc, thu gom nước thải, cây xanh...
Tại TP Tân Uyên, Bình Dương, VSIP cho biết, dự kiến từ tháng 1/2024 - tháng 12/2029, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các công trình còn lại thuộc dự án Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân, từ tháng 1/2030 sẽ vận hành chính thức toàn dự án.
Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân được VSIP đầu tư từ năm 2009, đến nay đã bồi thường giải phóng mặt bằng 98%, đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ xây dựng nhà ở của người dân khoảng 56%.
Từ năm 2024, dự án sẽ tiếp tục xây dựng công trình nhà ở trên 27,2 ha, bao gồm 17,6 ha nhà ở tái định cư; 6,3 ha đất ở thương mại và 3,3 ha đất nhà ở xã hội. Cùng với đó, xây dựng công trình thương mại dịch vụ cao tối đa 9 tầng trên khu đất 6,7 ha. Tổng mức đầu tư dự án là gần 319 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 64 tỷ đồng.
Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh của VSIP. Dự án này có quy mô hơn 190 ha, tổng mức đầu tư khoảng 65 triệu USD.
Về tiến độ, dự kiến từ quý II/2024 - quý IV/2026 VSIP sẽ triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành, đường giao thông... Quý II/2025 dự án sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm và từ quý II/2025 - quý IV/2027 sẽ đi vào vận hành chính thức.
Cũng trong ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN VSIP Thái Bình.
VSIP Thái Bình có quy mô sử dụng đất 333,4 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.932 tỷ đồng, tương đương gần 212 triệu USD. Đây là một trong 12 dự án VSIP mà Việt Nam - Singapore đã ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư, địa điểm thực hiện tại 2 xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Tỉnh Thái Bình cho biết, đây là một trong 6 dự án trọng điểm của địa phương này. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... để rút ngắn thời gian triển khai dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2024.
Tại Lạng Sơn, trong năm 2023 VSIP đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP Lạng Sơn.
VSIP Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 600 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương gần 275 triệu USD, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 954 tỷ đồng, tương đương hơn 41 triệu USD.
Về tiến độ, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ được chia thành 2 phân kỳ đầu tư. Trong đó, phân kỳ 1 thực hiện đến năm 2027, sẽ đầu tư phần phía nam dự án trên diện tích khoảng 402 ha. Phân kỳ 2 thực hiện trong giai đoạn 2027 - 2032, đầu tư phần phía bắc dự án trên diện tích khoảng 197,5 ha.