ĐBQH băn khoăn khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Trang Mai 20:16 | 26/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), do khái niệm "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" không còn phù hợp với định nghĩa của WHO và thông lệ quốc tế về định nghĩa “đồ uống có đường tự do”, nên cần mở rộng các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chứ không nên chỉ áp thuế với nước giải khát sử dụng đường mía.

Áp thuế với đồ uống có đường có thể khiến giảm thu ngân sách‏

Tại phiên thảo luận nhóm ngày 22/11 về mặt hàng nước giải khát có đường, các đại biểu quốc hội cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường không làm tăng thu ngân sách mà tác động tiêu cực chung tới nền kinh tế. Đồng thời, không chỉ mặt hàng nước giải khát và còn rất nhiều sản phẩm khác có đường, việc đánh thuế một mặt hàng có thể tạo nên sự mất cân bằng. ‏

‏Đại biểu Dương Minh Ánh, (đoàn Hà Nội) cho rằng đề xuất áp thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường cần được xem xét kỹ lưỡng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% với mặt hàng này, năm đầu tiên sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng. Những năm tiếp theo thu ngân sách từ thuế gián thu và trực thu đều sụt giảm.

 ‏Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

‏Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở những chu kỳ sau. Ngoài ra, áp dụng chính sách này còn ảnh hưởng đến 25 ngành trong nền kinh tế.‏

‏Do đó, cần phải có cơ sở để chứng minh được việc áp dụng chính sách thuế TTĐB với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với những sản phẩm có đường khác như bánh, kẹo, ô mai, các sản phẩm từ sữa có đường. Kinh nghiệm cho thấy nhiều nước đánh thuế đồ uống có đường nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng lên.‏

‏Với mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế người tiêu dùng không dùng sản phẩm nước ngọt có đường gây thừa cân béo phì nhưng có thể làm gia tăng việc người sử dụng các mặt hàng đồ uống sản xuất không chính thức hoặc sản phẩm sản xuất thủ công.‏

‏Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5g nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Như vậy nếu việc áp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp trong nước vô hình chung tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.‏

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc), hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng xoay quanh đề xuất này.

 Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: Quốc hội.

‏Về kinh nghiệm quốc tế, theo Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo, hiện nay đã có ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hành ngày 05/12/2023 và đăng tải trên trang tin của tổ chức này cho biết thêm rằng, một nửa trong số các quốc gia này cũng áp thuế TTĐB đối với cả nước uống, mặc dù nước uống là mặt hàng được Tổ chức WHO khuyến khích tiêu dùng. Vì vậy, WHO cho rằng, không phải quốc gia nào cũng áp dụng chính sách thuế này vì mục đích sức khỏe mà chỉ đơn thuần là đưa tất cả các loại đồ uống vào diện chịu thuế.‏

‏Chính vì vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, cần nghiên cứu thêm đối với nội dung này để từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp. Ví dụ, có những quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Philippines đã áp thuế TTĐB với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì thì lại vẫn tiếp tục tăng, mặc dù tiêu thụ nước giải khát có đường giảm. Trong khi đó các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt.‏

Cũng theo vị đại biểu này, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em. Các cơ quan nên tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và giáo dục trong gia đình và trường học để các em thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.‏

Bày tỏ băn khoăn về việc liệu việc đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường có gây nên sự mất công bằng giữa các ngành hàng, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiến hành nghiên cứu tổng thể và đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường bao gồm: Nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu cần phải áp thuế TTĐB để có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và khuyến nghị của WHO.

Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.

Trong một hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với UNICEF tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng cho rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế trực tiếp để điều trị đối với các bệnh mãn tính, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em trong chăm sóc dinh dưỡng.

VSSA: Cần áp thuế TTĐB với mọi đồ uống có đường tự do‏

‏Trong một góc nhìn khác, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tham gia ý kiến về Hồ sơ dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đối với đồ uống có đường.‏

‏Công văn của VSSA nêu: Sáng ngày 22/11/2024, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất áp thuế TTĐB với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml (nước ngọt). Mức thuế dự kiến là 10%.‏

‏VSSA cho rằng Hồ sơ dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) dựa trên khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm quốc tế về biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng, nhưng đã xuất hiện điểm không hợp lý. Đó là, không sử dụng định nghĩa của tổ chức WHO hoặc các tổ chức quốc tế về đồ uống có đường, mà lại sử dụng định nghĩa nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), trong khi có sự khác biệt rất lớn của các định nghĩa này.‏

‏Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019 định nghĩa: “Nước giải khát (water-based beverages) là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước, có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga”. Theo định nghĩa này, chỉ có nước giải khát chứa đường là đối tượng chịu thuế.‏

‏Tuy nhiên, theo WHO: “Đồ uống có đường (sugary drinks) được định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (free sugars). Đường tự do đề cập đến là đường đơn monosacarit (như glucose, fructose) và đường đa disacarit (như sucrose hoặc đường ăn)”.‏

‏Tương tự, theo nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group), đối tượng chịu thuế đồ uống có đường được định nghĩa; “Đồ uống có đường (Sugar-sweetened beverages - SSBs) là đồ uống không cồn có chứa chất làm ngọt có năng lượng, chẳng hạn như sucrose (đường) hoặc si-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS)... Đồ uống có đường SSBs có chứa nhiều đường tự do (free sugars) dễ hấp thụ”.‏

‏Theo định nghĩa này, nước giải khát chứa đường hoặc si-rô ngô HFCS là đối tượng chịu thuế. Có thể nhận thấy, các tổ chức WHO và ngân hàng thế giới (WB) đã mở rộng định nghĩa "đồ uống có đường” thành “đồ uống có chứa đường tự do” khi sử dụng biện pháp đánh thuế nước giải khát có chứa chất ngọt.‏

‏Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, khối lượng đường HFCS nhập khẩu đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm, và đa số được nhập khẩu bởi các công ty sản xuất nước giải khát. Năm 2023, lượng đường HFCS nhập khẩu đã tăng với mức độ bùng nổ, khi khối lượng hơn gấp đôi so với năm 2022.‏

‏Như vậy, sử dụng định nghĩa "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" là không hợp lý, không phù hợp với định nghĩa của WHO và thông lệ quốc tế là “đồ uống có chứa đường tự do” khi sử dụng biện pháp đánh thuế TTĐB và trong hoàn cảnh Việt Nam có thể dẫn đến nguy cơ sai lầm và bỏ sót đối tượng chịu thuế, dẫn đến không thể thực hiện chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo VSSA, do việc xác định định nghĩa "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" là đã lạc hậu, không còn phù hợp với định nghĩa của WHO và thông lệ quốc tế về định nghĩa “đồ uống có đường tự do” khi sử dụng biện pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nên đề xuất bổ sung mặt hàng “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng trở nên bất cập.

Vì trong trường hợp sử dụng chất làm ngọt là đường HFCS (hầu hết công ty nước giải khát tại Việt Nam đang sử dụng) sẽ không thể áp dụng tiêu chí “hàm lượng đường trên 5g/100ml”.

VSSA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thông tin đến toàn bộ đại biểu Quốc hội một số đề xuất của Hiệp hội những vấn đề sau:

‏Thứ nhất, ‏‏về đối với đối tượng chịu thuế, đề xuất bỏ cụm từ "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)", thay bằng “đồ uống có đường (sugary drinks) có chứa đường tự do (free sugars), bao gồm đồ uống chứa đường và đồ uống có chứa đường HFCS”.‏

‏Thứ hai‏‏, đề nghị bỏ tiêu chí “hàm lượng đường trên 5g/100ml” vì không còn phù hợp thực tế, có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua đối tượng chịu thuế chính hiện nay là đồ uống có chứa đường HFCS.‏

‏Thứ ba,‏‏ xem xét áp dụng kinh nghiệm của một số nước trong khối ASEAN bao gồm Philippine và Indonesia. Trong đó, Philippine thu thuế TTĐB có mức thuế khác nhau đối với đồ uống có đường và đồ uống có chứa đường HFCS, và áp mức thuế cao hơn (gấp 2 lần) đối với đồ uống có chứa đường HFCS.‏

‏Trong trường hợp Việt Nam, VSSA đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với đồ uống có đường và áp dụng mức thuế suất 20% đối với đồ uống có chứa đường HFCS.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày 28/11.