Vụ Bách Hoá Xanh tăng giá giữa mùa dịch: Giá trị bền lâu hay lợi nhuận tức thời?

12:00 | 19/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những ngày qua, câu chuyện Bách hoá Xanh tăng giá bán hàng của một số mặt hàng thực phẩm trong mùa dịch đang được dư luận chú ý và quan tâm.

Những ngày gần đây, mạng xã hội vẫn râm ran chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm so với trước đây. Theo người tiêu dùng, việc mua thực phẩm giữa cao điểm COVID-19 khá khó khăn, thu nhập bấp bênh, gặp thêm cảnh giá các mặt hàng tăng vọt, khiến họ khó chồng thêm khó.

Mặc dù đã có  văn bản giải thích rằng không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, việc tăng giá là do không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí nhân công tăng do phải tăng ca liên tục, chi phí xét nghiệm, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp...

Nhưng những lời giải thích này vẫn không nhận được sự đồng tình từ phần đông khách hàng mà thay vào đó là hàng loạt làn sóng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này.

Thông tin về việc Bách Hoá Xanh tăng giá, ông Trương Văn Ba, cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.

Vụ Bách Hoá Xanh tăng giá giữa mùa dịch: Giá trị bền lâu hay lợi nhuận tức thời? - ảnh 1

Siêu thị Bách Hoá Xanh

Cơ quan quản lý thị trường đã yêu cầu Bách Hóa Xanh và các chợ truyền thống cam kết đảm bảo phòng chống dịch, không tăng giá bất hợp lý. Đồng thời thiết lập các kênh liên lạc, nếu doanh nghiệp có chi phí đột biến tăng cao thì phải cập nhật cho lực lượng quản lý thị trường nắm thông tin.

Mới đây, Cục quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết đối với một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Cụ thể, vào sáng ngày 17/7, Đội quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) đã kiểm tra, phát hiện hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết của cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3 (TP Sóc Trăng).

Một cán bộ Phòng Kinh tế TP Sóc Trăng cho biết tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Bách Hóa Xanh này có bán một số mặt hàng không đúng với giá niêm yết, như: cháo tươi lươn đậu xanh, giá niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; cháo yến vị thịt bằm, giá niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; cháo tươi rau củ thập cẩm, giá niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói...

Vị cán bộ này cho biết người đại diện của Bách Hóa Xanh xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo (TP Sóc Trăng), chứ không phải do cửa hàng cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.

Trên thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các chi phí như vận chuyển, nhân công, nguyên liệu đầu vào… đều tăng cao thì việc Bách Hóa Xanh tăng giá không hề sai. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh khi cả nước đang gồng mình tập chung chống dịch, nhiều người lao động đang phải tạm nghỉ việc do các lệnh phong toả, giãn cách xã hội thì Bách Hóa Xanh tăng giá trong giai đoạn này có vẻ chưa được hợp tình hợp lý cho lắm.

Thậm chí việc này sẽ khiến người tiêu dùng có cái nhìn thiếu thiện cảm với hệ thống bán lẻ này. Về lâu dài việc này thậm chí còn gây ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu của Bách Hoá Xanh khi mà làn sóng kêu gọi đòi tẩy chay chỗi siêu thị này vẫn không ngừng tăng.

Mới đây, trong bối cảnh TP.HCM đang phải áp dụng lệnh giãn cách xã hôi theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, cùng với đó là nhiều khu chợ truyền thống, chợ đầu mối phải đóng cửa vì liên quan đến các ca nhiễm COVID1-19, đại diện một số chuỗi siêu thị lớn như Saigon Co.op, Vinmart… đã nhiều lần khẳng định về cam kết không tăng giá bán trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay.

Các chuỗi siêu thị tại TP.HCM đều đang nỗ lực tối đa để bảo toàn tính cân bằng và hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, phải cân đối cẩn trọng với các yếu tố trọng yếu như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.

Hành động đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu của nhiều các thương hiệu bán lẻ xứng đáng được hoan nghênh. Đặc biệt là các doanh nghiệp này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, rồi nhiều chi phí phát sinh khác liên quan đến khâu phòng dịch, vận chuyển hàng hóa sang các địa phương khác tiêu thụ cũng gặp khó khăn do yêu cầu phòng dịch của các địa phương…

Trong thời buổi “mở cửa kinh tế” thì việc cạnh tranh diễn ra giữa các doanh nghiệp càng ngày càng trở lên gay gắt. Trong đó, giá trị thương hiệu là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh, uy tín không chỉ chú trọng yếu tố về chất lượng sản phẩm, mà còn là cách thức mà doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đó ra thị trường như thế nào, trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp đó ra sao.

Do vậy doanh nghiệp cần phải nỗ lực xây dựng thương hiệu từ việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và thể hiện vai trò trách nhiệm của mình đối với xã hội từ đó tạo ra dấu ấn đẹp cho người tiêu dùng. Không nên vì quá chú trọng đến vấn đề lợi nhuận trước mắt mà biến thương hiệu của mình ngày càng xấu đi trong mắt khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến giá trị dài lâu.

H.A

Xem thêm: Bách Hóa Xanh bị chỉ trích tăng giá hàng hóa mùa dịch để kiếm lời