Vụ đường cao tốc TP HCM - Trung Lương: Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị bao nhiêu năm tù?
Viện kiểm sát nhận định, chính ông Đinh La Thăng là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, đã giới thiệu và tác động để Đinh Ngọc Hệ tiếp cận, đấu giá quyền thu phí.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây thất thoát 725 tỷ đồng, sáng 18/12 VKSND TP.HCM đã luận tội cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") và các bị cáo còn lại.
VKSND TP.HCM khẳng định, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn nhà nươc, cho nên việc bán quyền thu phí chính là bán tài sản của nhà nước. Vốn là người được giao tổ chức xây dựng đề án bán quyền cao tốc của dự án này nhưng ông Đinh La Thăng lại giới thiệu, tác động Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu giá, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10-11 năm tù
Bị cáo Đinh La Thăng nhận thức rõ là tài sản của nhà nước nhưng lại giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận có chủ đích ngay từ khâu đấu giá quyền thu phí để đối tượng này có điều kiện gian dối và chiếm đoạt tài sản. Theo nhận định của cơ quan tố tụng, ông Thăng đã dùng chức vụ của mình, gây áp lực lên các cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Út 'trọc' trúng thầu dự án.
Không chỉ tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, theo VKS ông Thăng còn không chỉ đạo xử lý khi phát hiện công ty của Hệ chậm thanh toán. Dù tại tòa, cựu Bộ trưởng không thừa nhận cáo trạng nhưng căn cứ theo hồ sơ vụ án, VKS cho biết đủ cơ sở để kết luận ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này. Bởi vậy, việc quy kết bị cáo Thăng về tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát tài sản Nhà nước là đúng người, đúng tội.
Trong quá trình công tác, cựu Bộ trưởng GTVT có nhiều bằng khen, huy chương nên VKS đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và miễn hình phạt bổ sung với bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Hồng Trường - cựu Thứ trưởng Bộ GTVT - là đồng phạm, là chủ tịch hội đồng bán đấu giá, trực tiếp quản lý dự án nên phải có trách nhiệm trong vụ sai phạm. Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Trường 6-7 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thẩt thoát, lãng phí.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị mức án chung thân
Tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vao trò chủ mưu. Tuy nhiên, thông qua chứng cứ cùng lời khai của các bị cáo khác, VKS khẳng định đủ cơ sở xác định Đinh Ngọc Hệ chủ mưu, cầm đầu các sai phạm trong vụ việc để chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.
Do đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tổng hình phạt là tù chung thân.
Các bị cáo còn lại đều là cấp dưới của bị cáo Thăng và Hệ,vì nể nang nên đã thực hiện hành vi sai trái. Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Dương Tuấn Minh (cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, Bộ GTVT), Dương Thị Trâm Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long) mức án từ 5-6 năm tù; Nguyễn Chí Thành (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính), Nguyễn Thu Trang (cựu Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng công ty Cửu Long) mức án từ 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thẩt thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, nhân viên các công ty Bình Đức, Yên Khánh, Xuân Phi được xác định là đồng phạm của bị cáo Hệ, bị đề nghị từ 2 - 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Video: Zing
Tiểu Long