Vượt đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải 'vững tay chèo'

18:24 | 13/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù Chính phủ, các Bộ, Ngành đã triển khai nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp (DN), nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến nhiều DN tiếp tục rơi vào khó khăn, cần phải thay đổi, tổ chức lại sản xuất và kinh doanh.

Trăm ngàn cái khó…

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 29,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 1,4%; có 14,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5%; đồng thời, có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%, trung bình mỗi tháng có tới 13,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong đợt dịch COVID – 19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Vượt đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải 'vững tay chèo' - ảnh 1

Nhiều cái khó bủa vây doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cho biết, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc… Đặc biệt, đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ.

Theo kháo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên 87%  DN cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhất là các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nặng nề.

Đặc biệt, Chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước tính khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động với khoảng 12.600 lao động tạm thời không có việc làm…

Chuyển đổi số để đa dạng hóa và nâng cao kĩ năng

Nhiều chuyên gia cho rằng, DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Trả lời báo chí, ông Phan Bình - Giám đốc Marketing J&T Express Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp và người dân được khuyến khích đẩy mạnh kinh doanh, mua sắm online, qua thương mại điện tử. Từ đầu tháng 3 đến nay, tại J&T Express đã có hơn 2.000 người đăng kí mở tài khoản mới và vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu của người dân hiện nay, doanh nghiệp nào còn khả năng chuyển đổi thì phải mạnh dạn chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động.

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Abel Alonso (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế - Đại học RMIT) và đồng nghiệp, nhiều công ty trong ngành khách sạn, du lịch hoặc rượu vang đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như dịch vụ giao hàng và phương thức bán hàng trực tuyến là những cách phổ biến để họ tăng doanh thu và duy trì dòng tiền cần thiết. Một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng triển khai những sáng kiến như tổ chức tour du lịch cà phê và lớp học pha cà phê trực tuyến.

Vượt đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải 'vững tay chèo' - ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. 

Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu thực tế với nhiều công ty trong tương lai. Nguyên nhân là do sự phổ biến và mức độ đón nhận công nghệ điện thoại thông minh trong cộng đồng người tiêu dùng. Đồng thời, do các quy định giãn cách và hạn chế khác mà cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại hoặc tương lai có thể đem đến.

Điểm mấu chốt là doanh nghiệp sẽ cần là tăng gắn kết với khách hàng. Nỗ lực này có thể cho phép DN thu thập thông tin quan trọng liên quan đến các nhu cầu mới về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khám phá các cơ hội kinh doanh mới.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục thu thập thông tin cũng như nâng cao kiến thức và sự nhạy bén trong kinh doanh. Ví dụ như việc học các công cụ trực tuyến như ứng dụng giao hàng, phần mềm bán hàng hay phát triển trang web có thể giúp các công ty mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Doanh nghiệp cũng có thể tăng sự hiện diện trực tuyến thông qua tương tác trên mạng xã hội của nhân viên.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, để ứng phó tốt với đại dịch Covid – 19, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Đặc biệt, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả do dịch Covid – 19, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.

Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…

Như vậy có thể thấy, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Đó là chìa khóa để các DN phục hồi, vượt qua thách thức.

Hùng Dân