“Working Bee” - tư duy và tâm thế
Chúng ta đã biết, từ lâu, người Nhật Bản làm việc rất kỷ luật và năng suất. Nhưng những gì mà các đại biểu đến từ Nhật Bản chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 lại cho chúng ta thấy một điểm sáng khác tạo nên sự thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản. Đó là tư duy và tâm thế lao động.
Tại Nhật Bản, giai đoạn 1955-1973 được gọi là thời đại phát triển cao độ. Yếu tố làm kinh tế Nhật Bản phát triển ngoạn mục là tỷ lệ đầu tư/GDP cao, chủ yếu là khu vực tư nhân. Đầu tư đi liền với cách tân công nghệ qua đổi mới thiết bị và tích cực du nhập công nghệ.
Lao động dịch chuyển nhanh từ nông nghiệp và từ khu vực kinh doanh cá thể sang công nghiệp. Trong nội bộ công nghiệp cũng có sự chuyển dịch từ các ngành giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép lên các ngành giá trị cao như sản phẩm điện tử, ô tô...
Các ngành truyền thống như thép, đóng tàu cũng qua cách tân công nghệ chiếm vị trí hàng đầu thế giới về năng suất và chất lượng.
Kết quả là năng suất lao động tăng nhanh. Tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất (TFP) đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục (trung bình 10%) của nền kinh tế Nhật Bản.
Chỉ trong vòng gần 20 năm, Nhật Bản đã chuyển từ trình độ phát triển còn mang nhiều đặc trưng của nước thu nhập trung bình thấp lên vị trí của nước có thu nhập cao, trở thành cường quốc công nghiệp.
Cùng với việc tận dụng ưu thế từ dân số vàng, du nhập công nghệ, cách tân công nghệ, người Nhật Bản đã tạo nên kỳ tích từ việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chiến dịch tư duy.
…đến việc thay đổi tư duy và tâm thế người Việt
Giáo sư Kenichi Ohno ví Việt Nam như “một người đến sau” so với các nước phát triển trên thế giới. Một điều rất đáng nói là: Các nước thực hiện chiến dịch tăng năng suất từ rất lâu rồi, trong khi Việt Nam chưa khởi động.
“Một người đến sau” có thể tăng thu nhập trung bình bằng cách tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập, nhưng chỉ riêng thị trường thì không thể đem lại thu nhập cao. "Vì vậy, một chính phủ khôn ngoan cần phải xây dựng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và các ngành một cách hiệu quả".
Chính phủ cần có tầm nhìn, mục tiêu, chia sẻ thông tin và cải thiện môi trường kinh doanh để đưa nền kinh tế Việt Nam từ lắp ráp đơn giản đến tạo ra giá trị cao hơn.
Cần đặt ra mục tiêu và tầm nhìn mới cùng các nhiệm vụ cụ thể để giải quyết vấn đề năng suất lao động. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, đồng thời phát triển năng lực cho các doanh nghiệp nội địa, từ đó tạo ra sự liên kết giữa hai khu vực trên.
Cùng quan điểm, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam thêm khuyến nghị: “Tăng năng suất là yếu tố chính để tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp của Việt Nam”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội lẫn thách thức cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ. Muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần xác định được chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong trung và dài hạn. Nhiều doanh nghiệp như Thaco Trường Hải đã chú trọng tăng năng suất lao động.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về chặng đường dẫn tới quản trị tinh gọn. 413 giám đốc người Việt đã tham dự vào các chuyên đề, khoá đào tạo về tăng năng suất. Đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa ra những sáng kiến cho năng suất và triển khai chiến dịch thay đổi tư duy để cả người lái taxi cũng hiểu vai trò của năng suất lao động.
Chiến dịch tư duy chính là nói để người dân phải làm việc chăm chỉ. Thậm chí, Nhà nước phải có các logo, các khẩu hiệu như “working bee” (làm việc như chú ong chăm chỉ). Chiến dịch này cần thay đổi được tâm thế làm việc của mọi người.
Một số sáng kiến năng suất mới cũng cần được xem xét như triển khai Báo cáo năng suất, chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất cho xã hội, thiếp lập mục tiêu năng suất, sửa đổi chính sách công nghiệp hỗ trợ và áp dụng các công cụ tăng năng suất.
Đặc biệt, người Việt nên cải thiện kỹ năng sản xuất. "Công nhân, sinh viên Việt Nam học tập xong phải lao vào ngành công nghiệp, chứ không phải quay lại với cái cày, cái bừa", Giáo sư Kenichi Ohno nhấn mạnh.
Với hơn 100.000 thực tập sinh của Việt Nam đang làm việc và hỗ trợ Nhật Bản, trong đó, nhiều người đã tham gia vào công đoạn kiểm soát chất lượng, ông Umeda Kunio cho rằng cần tạo môi trường cho họ phát huy được những kinh nghiệm có được từ Nhật Bản. “Vậy làm sao để ghép các thực tập sinh kỹ thuật này quay lại các doanh nghiệp? Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức các sự kiện tại Hà Nội và TPHCM, đồng thời, đẩy mạnh sự hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu phát huy tối đa năng lực của các nhân lực này”.
Đây là thông điệp đầy ý nghĩa đến từ phía Nhật Bản ngay trong những ngày đầu năm mới 2018, với niềm tin về chiến dịch tư duy và tâm thế sẽ bắt đầu được thực hiện trên dải đất hình chữ S.
Để tư duy và tâm thế luôn có trong mọi người dân Việt, bất kể nơi đâu và thời điểm nào. Sẽ là những đột phá mới, không chỉ về năng suất lao động mà trong cả sự phát triển của một nền kinh tế Việt Nam đang rất cần thoát nhanh khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Minh Hoa