Xã hội hóa nghề rừng trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 : Phát triển các hình thức kinh tế chia sẻ, huy động tối đa nguồn lực xã hội
Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5- 5,5%/năm
“Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch) hướng tới mục tiêu chung là tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch bao gồm:
Đạt được tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm. Hướng tới giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.
Phát triển dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm tăng 5%.
Hướng tới tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề khoảng 45% vào 2025. Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020.
Đồng thời, nâng cao chất lượng rừng nhiên, hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.
Phát triển các hình thức liên kết các thành phần kinh tế
Kế hoạch đã đưa ra 4 định hướng cơ bản. Đó là các định hướng liên quan tới cơ cấu theo nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia và sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương); cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng; phát triển liên kết, thị trường sản phẩm lâm nghiệp và phát triển, nâng cao dịch vụ lâm nghiệp.
Đặc biệt, để thúc đẩy hoạt động xã hội hóa nghề rừng, Kế hoạch nhấn mạnh giải pháp phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp.
Cùng với đó là tăng cường phát triển hợp tác phát triển lâm nghiệp giữa doanh nghiệp và người trồng rừng; kết nối các hội, hiệp hội ngành hàng, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và người làm nghề rừng.
Phát triển sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị.
Đồng thời,tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng thôn bản và hợp tác xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển nông lâm kết hợp.