Xả kho dữ trữ dầu mỏ kỉ lục không thể xoa dịu khủng hoảng năng lượng
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ xuất 1 triệu thùng dầu/ ngày từ kho dữ trữ chiến lược (SPR), kéo dài liên tục trong 6 tháng. Với 180 triệu thùng dầu được đưa ra thị trường theo dự kiến, đây sẽ là đợt xả kho dầu dữ trữ lớn nhất trong lịch sử, một động thái được ông Biden mô tả là giúp cân bằng cung cầu cho đến khi nguồn cầu tăng ổn định trở lại trong quý 3 năm nay.
Tổng thống Mỹ không nói rõ giá xăng tại thị trường Mỹ có thể giảm bao nhiêu phần trăm sau động thái này. Nhưng ước tính mức giảm trung bình sẽ là từ 10-35 cent/ gallon (1 gallon tương đương 3,8 lít). Giá xăng trung bình ở Mỹ trước khi ông Biden ra lệnh xả kho dầu là 4,23 USD/ gallon, cao kỉ lục kể từ năm 2008. "Nếu chúng ta muốn giá xăng giảm, điều quan trọng là phải có thêm nguồn cung lúc này", ông Biden giải thích cho quyết định bơm dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường.
Thị trường dầu mỏ lập tức có phản ứng. Giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) trong phiên 31/3 giảm 7%, xuống còn 100,28 USD/thùng. Dầu Brent Biển Bắc giảm 4,9%, xuống còn 107,91 USD/thùng. Nhưng các hợp đồng tương lai gần như không chuyển biến nhiều, nó cho thấy một thực tế giá dầu trong ngắn hạn có thể giảm, nhưng việc giải phóng kho dầu dữ trữ sẽ không đủ sức giúp xử lý khủng hoảng đang tấn công các thị trường năng lượng.
“180 triệu thùng dầu từ kho dữ trữ chiến lược là một con số lớn. Nhưng chúng tôi cho rằng thị trường có lý lẽ riêng. Việc xuất kho dự trữ này có thể gây ra sức ép giảm giá nhất định với dầu thô trong ngắn hạn. Thế nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn, lượng dầu trống đi trong kho sẽ phải mua bù vào”, Michael Tran, chiến lược gia về hàng hóa tại RBC Capital Markets nhận định.
Cộng với lượng dầu xuất kho đã được công bố trước đó, tổng lượng dầu mà chính quyền Mỹ cam kết đưa ra thị trường từ kho dự trữ là 260 triệu thùng, được thực thi trong khung thời gian 12 tháng.
Sau khi đạt mức xuất kho, lượng dầu trong SPR giảm xuống còn 300 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức 315 triệu thùng mà Mỹ cam kết với Cơ quan năng lượng thế giới (IEA) về bảo đảm đủ dự trữ lượng dầu tương đương 90 ngày nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ sau thời điểm đó sẽ không thể xuất thêm dầu từ SPR, sẽ phải tiếp tục mua bù để tăng dự trữ, khiến giá dầu tăng cao hơn.
“Lịch sử những đợt xuất dầu dự trữ từ SPR cho thấy cần một khoảng thời gian dài để gây tác động lên thị trường và thực sự cũng không giúp hạ nhiệt giá dầu. Mục đích của Nhà Trắng là muốn tạo ra cầu nối cho nguồn cung bắt đầu từ quý III năm nay, thời điểm mà khai thác dầu thô trong nội địa Mỹ dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, tung dầu dự trữ ra thị trường có thể gây tác động ngược, bởi nhiều nhà cung ứng không muốn tăng sản lượng, mở rộng sản xuất khi dầu giảm giá”, Daniel Hynes, chiến lược gia trưởng về giao dịch hàng hóa tại Ngân hàng ANZ nhận định.
Nguồn cung dầu tại Mỹ có tăng hay không hiện vẫn là câu hỏi để ngỏ. Giới chủ vận hành giàn khoan tại Mỹ cho biết họ chưa muốn tăng mạnh sản lượng, bởi những thiếu hụt về nguồn cung thép, chi phí nhân công tăng, quy định bảo vệ môi trường siết chặt cùng với sức ép chi phí tổng thể cao đã bào mòn lợi nhuận biên.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn không có kế hoạch tăng nhanh lượng dầu cung ứng ra thị trường bất chấp sức ép từ Mỹ và một số khách hàng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp ngày 31/3, các đại diện OPEC+ nhất trí chỉ tăng sản lượng khai thác ở mức khiêm tốn 400.000 thùng/ngày như kế hoạch đề ra.
Nguồn cung từ Nga, nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cũng đang gặp khó. Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nhiều khách hàng do dự, từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, rủi ro pháp lý, cũng như những thách thức trong bảo lãnh tín dụng, logistic…
Theo IEA cho biết Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm gần 12% lượng tiêu thụ của thế giới. Bob McNally, người từng là cố vấn năng lượng trong chính quyền George W. Bush, nói rằng lệnh xả kho dầu của ông Biden không đủ lớn để bù đắp những tổn thất từ xuất khẩu của Nga nếu xung đột và áp lực trừng phạt vẫn kéo dài. Theo khảo sát của Reuters, xuất khẩu dầu thô của Nga trong tuần gần đây giảm, còn 3,63 triệu thùng/ngày từ 17-23/3, tương ứng mức giảm 26,4% so với tuần trước đó.
Stewart Glickman, một nhà phân tích dầu mỏ của CFRA Research, cho biết việc xuất kho dầu dự trữ chiến lược chỉ giúp giảm giá xăng trong ngắn hạn và nó sẽ giống như "uống thuốc giảm đau Advil để chữa cơn đau đầu". Khi Mỹ ngừng xả kho dầu sau 180 ngày, những vấn đề căn bản khiến giá xăng tăng sẽ lại lộ ra. "Nguyên nhân gốc rễ của cơn đau đầu vẫn sẽ còn đó, sau khi bạn dùng hết thuốc", ông Glickman nêu quan điểm.