Xây dựng đại học tinh hoa để có nguồn nhân lực tinh hoa
Từng có nhiều năm nghiên cứu và quản lý giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu về các mô hình giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới, Giáo sư thấy thế giới nhìn nhận ra sao về các đại học tinh hoa?
GS. Mai Trọng Nhuận: Đại học tinh hoa trước hết phải là một trung tâm đào tạo xuất sắc, đa ngành và có quyền tự chủ rất cao. Và các trường này chính là bộ mặt của quốc gia trên trường quốc tế, phản ánh sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia đó.
Tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đến các nước châu Âu, hay gần đây là Trung Quốc đều có các đại học tinh hoa để đào tạo nhân tài. Nhiều nước trong số đó như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hầu như không có tài nguyên thiên nhiên. Họ đều phát triển dựa vào nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực tinh hoa - những người có phẩm chất, năng lực vượt trội, đặc biệt là năng lực sáng tạo và khả năng dẫn dắt. Đội ngũ tinh hoa này thường có vai trò sáng tạo ra triết lý, giải pháp phát triển và công nghệ nguồn phù hợp với chính nước họ.
Nguồn nhân lực tinh hoa có thể tự trưởng thành từ thực tiễn, nhưng nếu có đại học tinh hoa thì sẽ giúp họ rút ngắn hơn nhiều quá trình trưởng thành và cống hiến. Sẽ rất khó để có những con người tinh hoa trình độ cao dẫn dắt sự phát triển của đất nước nếu không có đại học tinh hoa, đại học chất lượng cao để đào tạo.
GS. Mai Trọng Nhuận: Ở Việt Nam, không phải bây giờ chúng ta mới nhận ra sự cần thiết của việc đào tạo tinh hoa cho đất nước. Từ nghìn năm trước chúng ta đã có Quốc Tử Giám, là đại học đầu tiên của Việt Nam. Dù nhân tài thời đó tiêu chí có thể khác bây giờ, nhưng rõ ràng đây là cái nôi đào tạo ra đội ngũ tinh hoa thực sự.
Đầu thế kỷ 20, Pháp cũng chú trọng đào tạo đội ngũ tinh hoa ở Đại học Đông Dương. Nhiều bác sĩ, luật sư xuất sắc sau này theo cách mạng là người tốt nghiệp từ đại học này. Đến năm 1997, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu đào tạo khóa cử nhân tài năng đầu tiên của cả nước.
Có thể thấy, trong lịch sử, chúng ta đã từng có những giai đoạn tạo ra tiền đề của đào tạo tinh hoa. Tuy nhiên, đào tạo tinh hoa bậc đại học chưa bài bản, hệ thống và liên tục. Vì vậy, bây giờ cần khắc phục điểm yếu này để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Điều kiện làm đại học tinh hoa đã chín muồi
Vai trò và sứ mệnh của đại học tinh hoa là điều không thể phủ nhận. Vậy bây giờ đã phải là thời điểm chín muồi để hiện thực hóa mô hình này tại Việt Nam chưa, thưa Giáo sư?
GS. Mai Trọng Nhuận: Theo tôi bây giờ đã đến lúc phải làm rồi. Chúng ta đã bước vào thời đại cách mạng công nghệ lần thứ tư, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt... Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi toàn cầu, nâng cao được năng lực cạnh tranh thì phải dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài. Vì thế, cần phát triển các trường đại học tinh hoa để thực hiện sứ mệnh này.
Trước đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng thực hiện đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước về “Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học cho quy trình phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Trong quá trình đào tạo tinh hoa có thể tham khảo các kết quả của đề tài này.
GS. Mai Trọng Nhuận: Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là về cơ chế. Để đào tạo tinh hoa cần phải có quản trị tinh hoa. Đó là trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao, tự do học thuật thật sự cho các bên liên quan. Quản trị sáng tạo, quản trị theo kết quả, bảo lãnh cho sự sáng tạo và cống hiến thì mới thuận lợi cho đào tạo tinh hoa.
Thứ hai là về môi trường làm việc thúc đẩy sáng tạo, đổi mới. Cần có cơ chế sử dụng, đãi ngộ và bảo vệ người hiền tài, khuyến khích người tài cống hiến. Hiện nay, nhiều người xuất sắc tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng trên trên thế giới chưa về làm việc ở Việt Nam là điều cần phải suy nghĩ. Chúng ta cần thay đổi chính sách thu hút, sử dụng người tài cho phù hợp hơn.
Thứ ba là về kinh phí. Đào tạo tinh hoa tốn kém lắm. Một ví dụ nhỏ về đào tạo ở Đại học Oxford (Anh) mà tôi từng chứng kiến. Trường này quy định, trong năm thứ nhất, một sinh viên phải gặp, trao đổi với ít nhất 10 giáo sư ở các chuyên ngành khác ngành học của mình.
Tuy nhiên, các vấn đề trên đã từng bước được giải quyết, tạo điều kiện cho đại học tinh hoa phát triển ở nước ta. Hiện Đại học VinUni đang được xây dựng theo mô hình này và hy vọng VinUni có được các điều kiện cần thiết để tiên phong trong sứ mệnh ấy.
GS. Mai Trọng Nhuận: Chương trình đào tạo tinh hoa mà VinUni đưa ra với những tiêu chuẩn rất cao về điều kiện đảm bảo chất lượng tinh hoa, trong đó có giảng viên, phòng thí nghiệm, thực hành, hệ thống thư viện với đầy đủ giáo trình, sách và tài liệu tham khảo, đưa sinh viên ra nước ngoài học một thời gian… thì mức học phí phải cao là điều có thể hiểu và có thể được chấp nhận.
Việc làm và thu nhập của sinh viên tốt nghiệp là một trong những căn cứ để tính chi phí đào tạo và mức học phí. Chúng ta phải thừa nhận rằng sinh viên tốt nghiệp muốn có sự nghiệp tốt, cống hiến được nhiều, thu nhập cao thì đầu tư ban đầu phải lớn. Các sinh viên của đại học tinh hoa với chuẩn đầu ra tương đương với Cornell hay Pennsylvania (Mỹ) chắc chắn sẽ trở thành đối tượng mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn săn đón với mức lương cao.
Ở nước ta hiện nay có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, bệnh viện… sẵn sàng trả lương cao để chiêu mộ nhân tài. Đó là chưa kể bản thân các nhân sự tinh hoa có thể trở thành các doanh nhân, chuyên gia hàng đầu, tạo việc làm cho nhiều người và tạo ra nhiều sản phẩm hữu dụng, sản phẩm tinh hoa cho xã hội.
Xin cảm ơn Giáo sư!