Xét xử vụ tham nhũng ở Vinafood II: Cựu Tổng giám đốc phủ nhận cáo buộc

13:17 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nguyên tổng giám đốc Vinafood II Huỳnh Thế Năng và nhiều đồng phạm khác bị xét xử với nhiều tội danh khác nhau trong vụ án tham ô tài sản tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

Gây thất thoát hàng tỷ đồng

 

Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), với tổng cộng 16 bị cáo hầu tòa.
 
vinafood ii
Chủ tọa phiên xét xử trong chiều ngày 24/9. Ảnh: PLO
 
Các bị cáo Trần Văn Tâm (sinh năm 1975, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh), Nguyễn Tấn Vinh (sinh năm 1979, nguyên Kế toán trưởng Công ty Lương thực Trà Vinh), Phan Văn Hiệp (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lương thực Cầu Kè), Nguyễn Nhất Thống (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông), Cao Minh Chiểu (sinh năm 1984, nguyên Kế toán Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè) và Cao Tấn Được (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông) bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
 
Nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc), Vũ Bá Vinh (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ), Huỳnh Văn Tranh (sinh năm 1961, nguyên Kiểm soát viên phụ trách chung) và Trịnh Ngọc Thuận (sinh năm 1976, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán).
 
Trình bày tại tòa về số tiền này, bị cáo Năng "không biết những thiệt hại là về khoản nào". Khi nhận được cáo trạng, bị cáo cộng lại có 4 khoản đều liên quan đến hợp đồng khống, bị cáo không biết mình có hành vi sai phạm cụ thể nào.
 
vinafood ii
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: VTV
 
Bị cáo Năng nói rằng, trong suốt quá trình làm việc tại công ty, bị cáo đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại Công ty lương thực Trà Vinh. Trong đó, vào lần kiểm tra thứ hai, bị cáo đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra kéo dài hơn nửa tháng, không phải chỉ kiểm tra trong vòng 1 ngày như trong cáo trạng.
 
Bị cáo Năng cũng cho rằng, trong các cuộc họp, bị cáo luôn nhắc nhở, cương quyết chỉ đạo nhân viên kiểm tra, giám sát Công ty Lương thực Trà Vinh.
 
Ngoài ra, bị cáo Năng khai tại tòa, tại Công ty Lương thực Trà Vinh có sử dụng phần mềm nhưng không kết nối toàn tổng công ty. Đến cuối năm 2014, bị cáo Năng có 2 quyết định để kết nối lại phần mềm này với tổng công ty. Nhờ vậy, phòng kế toán tổng công ty kết nối lại được và phát hiện sai phạm của Công ty lương thực Trà Vinh.
 
Theo Thanh Niên, một số luật sư đặt ra nhiều câu hỏi liên đến hành vi tham ô gần 5,2 tỉ đồng của bị cáo Tâm. Bị cáo này một mực phủ nhận hành vi.
 
Theo hồ sơ, Vinafood II giao Công ty Lương thực Trà Vinh quản lý hai căn nhà tại TP Trà Vinh.
Năm 2013, công ty mẹ cho phép Công ty Lương thực Trà Vinh bán đấu giá hai bất động sản với mục đích bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Tâm nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền công ty, biến hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu và 68 Bạch Đằng  (TP.Trà Vinh) thành tài sản cá nhân.
 
Tâm đã nhờ bà Châu Thị Thúy Hằng (vợ của giám đốc trước) và bị cáo Võ Văn Sen đứng tên tham gia đấu giá.
 
vinafood ii
Bị cáo Trần Văn Tâm tại phiên tòa. Ảnh: Thanh Niên
 
Cuối năm 2013, Công ty Lương thực Trà Vinh tổ chức bán đấu giá nhà. Kết quả, ông Sen mua một căn với giá 3,1 tỉ đồng; bà Hằng mua căn còn lại với giá hơn 2 tỉ đồng.
 
Viện cớ xử lý công việc, ông Tâm tiến hành rút tiền ở một số phân xưởng, xí nghiệp thuộc Công ty Lương thực Trà Vinh mà không lập phiếu chi, không vào sổ sách kế toán.
 
Ông này còn yêu cầu cấp dưới lập khống nhiều loại giấy tờ nhằm hợp thức hóa số tiền bòn rút của công ty. Sau đó, Tâm nhờ bà Hằng làm thủ tục chuyển nhượng tài sản. Nhờ vậy, Tâm bỏ túi 2 tỉ đồng.
 
Đối với căn nhà bị cáo Sen đứng tên mua, Tâm đại diện Công ty Lương thực Trà Vinh ký hợp đồng thuê nhà. Hợp đồng ghi rõ công ty sử dụng căn nhà làm kho hàng, trả tiền thuê 432 triệu đồng/72 tháng.
 
Sen chuyển lại toàn bộ số tiền trên cho Tâm sử dụng cá nhân. Kết luận của cơ quan tố tụng là Tâm tham ô gần 5,2 tỉ đồng là tiền chuyển nhượng hai căn nhà và lệ phí trước bạ khi làm thủ tục sang tên.
 
Trước tòa, cựu Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh giải thích bà Hằng và ông Sen không có tiền mua nhà đấu giá nên bản thân chỉ đạo đơn vị trực thuộc chuyển tiền (không vào sổ sách) về Công ty Lương thực Trà Vinh nhằm hợp thức hóa sổ sách. Hai người này đã bán nhà và trả đủ tiền. Bị cáo đã chuyển lại toàn bộ số tiền này về công ty nhưng không có chứng từ.
 
Sau đó, bị cáo Tâm thay đổi lời khai, cho biết mình có trả tiền mua nhà cho công ty. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra do hoảng loạn và đã nhiều năm nên không nhớ, khai không đúng.
 
Nay bị cáo khai lại việc mua bán hai căn nhà đã hoàn tất việc nộp tiền vào ngày 19-7-2019 với số tiền trên 5 tỉ đồng gia đình bị cáo đã nộp cho công ty qua ngân hàng có sao kê. Sau đó, bị cáo nói kế toán trưởng công ty nhập chung vào dòng tiền của công ty. 
 
HĐXX cho đối chứng lời khai với kế toán trưởng công ty, ông Nguyễn Tấn Vinh. Người này xác nhận lời khai của ông Tâm về nội dung xử lý tiền hai căn nhà.
 
Doanh nhân Việt Nam tiếp tục đưa tin...
 
Anh Quân