Xử lý xung đột phát sinh trong quá trình thu hút đầu tư FDI

Ngọc Quỳnh 16:00 | 20/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trải qua một giai đoạn khó khăn và nhiều biến động.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam - vốn là điểm đến hấp dẫn và hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh do triển khai các biện pháp giãn cách kéo dài là nguyên nhân dẫn tới sức khỏe của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị suy giảm rõ rệt. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), để môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự tiềm năng, an toàn và chất lượng cho nhà đầu tư, bên cạnh các yếu tố thị trường, thương mại, đối tác, việc cải thiện khung pháp lý có thể xem là một trong những yếu tố then chốt nhất.

Theo đại diện VIAC, qua các vụ tranh chấp mà VIAC tiếp nhận, có thể thấy để việc đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư cần được cung cấp những thông tin và những chỉ dẫn cần thiết và đầy đủ về hành lang pháp lý tại Việt Nam, những quy định cần chú ý, những điều cần tránh cũng như phương án phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh. Khi các yếu tố này được bảo đảm, bức tranh đầu tư tại Việt Nam sẽ trở nên tươi sáng hơn.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hòa giải Việt Nam cam kết sẽ hậu thuẫn các doanh nghiệp FDI tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý và giải quyết các xung đột phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Bước sang giai đoạn bình thường mới cũng là lúc đã nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn khi số lượng các dự án đầu tư dù giảm về số lượng nhưng lại tăng đáng kể về chất lượng; các dự án quy mô nhỏ giảm dần và các dự án quy mô lớn nhiều hơn. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng đã được thực hiện tốt hơn.

Kể cả việc Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng Dự án trung hòa carbon đầu tiên tại Bình Dương đã đặt thêm một cột mốc xanh mới cho phát triển bền vững trong dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam…  Các nhà đầu tư FDI cũng đã vạch ra các kế hoạch mang tính chiến lược hơn theo hướng phục hồi an toàn và phòng ngừa có hiệu quả trước diễn biến của đại dịch COVID-19 cũng như các biến cố bất thường khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Thêm vào đó, dù có những lo ngại nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam và đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và làm chủ tình hình của Chính phủ Việt Nam.

Vì thế, rất nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam cùng vượt qua đại dịch. Việt Nam sẽ vẫn là nơi mà các nhà đầu tư có thể lựa chọn để gắn bó và phát triển hoạt động kinh doanh lâu dài nếu môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt và đem lại hiệu quả.

Trước đó, các số liệu thống kê chính thức cho thấy, tính đến tháng 11/2021, mặc dù tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ đô la Mỹ (USD); trong đó, phần vốn đăng ký tăng thêm tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước tính chỉ đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh, mặc dù có tăng, song mức tăng lại giảm so với trước đây.

Tổng số dự án đầu tư mới cũng giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng bày tỏ sự lo lắng khi thị trường khó khăn nhưng vẫn có những trở lực khiến cho hành trình đầu tư của các FDI không thuận lợi.

Từ khóa: #FDI