Xuất khẩu thủy sản bứt phá, đạt 2,45 tỷ USD trong quý I

Trang Mai 07:18 | 03/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc trong quý I với mức tăng trưởng mạnh, dẫn đầu là tôm và cá tra. Tuy nhiên, thách thức từ rào cản thương mại, cạnh tranh và biến động thị trường vẫn là thách thức trong năm nay.

Theo số liệu vừa công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi ấn tượng trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm.

Trong cơ cấu từng mặt hàng, tôm các loại tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 931,6 triệu USD trong quý I, tăng 35,7%, trong đó riêng tháng 3 đạt 327 triệu USD (tăng 20,4%). Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc (sau Tết Nguyên đán), Hoa Kỳ, và EU, nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả.

Cá tra cũng đóng góp 465 triệu USD trong quý I, tăng 13%. Giá nguyên liệu ổn định cùng chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp hai mặt hàng này duy trì vị thế dẫn đầu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của cá tra có phần chậm hơn tôm, phần nào phản ánh nhu cầu của thị trường chững lại trong những tháng đầu năm, trong bối cảnh biến động địa chính trị và áp lực thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, tôm Việt Nam dù giữ được đà tăng, vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ – những quốc gia có lợi thế về giá cả và quy mô sản xuất.

Một điểm sáng đáng chú ý là sự bứt phá của nhóm cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Cua, ghẹ đạt kim ngạch 86,4 triệu USD trong quý I, tăng 66%, nhờ nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc trong dịp Tết. Nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, hàu) thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng 115%, đạt 64,9 triệu USD. Dù giá trị tuyệt đối chưa cao, tốc độ tăng trưởng này cho thấy tiềm năng lớn của các nhóm sản phẩm nhỏ trong việc đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau thời gian Tết nguyên đán, đến tháng 3, các nhóm này có dấu hiệu tăng chậm lại (cua tăng 27,9%, nhuyễn thể có vỏ tăng 89,7%). 

Trái ngược với bức tranh chung, cá ngừ là nhóm sản phẩm duy nhất ghi nhận kim ngạch giảm trong tháng 3, đạt 83,3 triệu USD (giảm 0,7%), nhưng trong quý I vẫn tăng nhẹ 3,6% (222,7 triệu USD). Nguyên nhân chính là áp lực từ quy định IUU, trong đó quy định kích thước cá ngừ tối thiểu 0,5m đã khiến cho nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu bị thắt chặt.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Vasep.

Ngoài ra, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) của Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam - cũng đang là một thách thức đối với ngành cá ngừ. Tổ chức NOAA Hoa Kỳ bước đầu đã đưa thông báo sơ bộ là không công nhận tương đương cho ngành hải sản Việt Nam, đồng nghĩa với việc nếu không đáp ứng yêu cầu của NOAA đúng thời hạn, thì hải sản Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 1/1/2026.

Vasep bày tỏ lo ngại rằng nếu không nhanh chóng giải pháp khắc phục, cá ngừ Việt Nam có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, đồng thời tác động domino lên các sản phẩm khai thác khác như mực, bạch tuộc.

"Các rào cản thương mại như MMPA, thẻ vàng IUU từ EU, và khả năng tăng thuế quan từ Hoa Kỳ dưới chính quyền mới là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt và có giải pháp trong năm 2025", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Vasep nhận định.