Ý kiến chuyên gia: Nguồn vốn cho BĐS vẫn còn eo hẹp

18:57 | 31/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong số những nguồn vốn chính cho bất động sản như: Ngân sách nhà nước, vốn ngoại, nguồn vốn tín dụng bảo lãnh và nguồn vốn tư nhân (vốn tự có, vốn góp) thì nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định là khá eo hẹp.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản (BĐS) của Việt Nam đến 31/12/2017 là khoảng 471.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 7,2% tổng dư nợ), tăng 8,3% so với đầu năm. Theo đó, dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS và xây dựng chiếm khoảng 15,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng đến hết năm 2017 đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 17% tổng dư nợ). Trong đó, dư nợ cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.

Ngoài ra, tín dụng đổ vào BĐS đang ngày càng bị siết chặt, trung bình mỗi năm giảm 5% so với năm trước. Trong khi đó, Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 và mới đây, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng.

Ý kiến chuyên gia: Nguồn vốn cho BĐS vẫn còn eo hẹp - ảnh 1
 Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Trong khi đó, năm 2018, Chính phủ có kế hoạch giải ngân 1.000 tỷ đồng đối với  chương trình cho người thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Trong đó vốn nhà nước cấp là 500 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động 500 tỷ đồng.
Đánh giá về con số này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Nguồn vốn như vậy khá eo hẹp. Bởi chỉ cần một số dự án với quy mô lớn đã hết nguồn vốn này. Chính vì vậy, nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh vẫn được coi như một trong những giải pháp quan trọng. Do đó, nhìn tổng thể bức tranh chung hiện nay, nguồn tiền dành cho BĐS đang ngày càng thu hẹp lại, do đó cần phải tìm một hướng đi mới.
Mặt khác, hệ thống các định chế tài hiện nay chưa đa dạng. Cụ thể là chưa có hoặc chưa phát triển các định chế tài như quỹ tín thác đầu tư - REIT, cơ quan cho vay thế chấp nhà ở… Việc các định chế tài chưa được đa dạng đang được chỉ ra là những rào cả khiến cho thị trường tài chính nhà ở chưa thể phát triển. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị "cần thiết phải có một quỹ tiết kiệm nhà ở chung giống như các nước như Thái Lan, Singapore đã làm thành công".
Bên cạnh đó, TS. Lực cho rằng để giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính cho BĐS phải tập trung phát triển thị trường vốn tạo nguồn vốn trung dài hạn và cân đối cấu trúc thị trường tài chính; tạo vốn mồi tại các quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội. Đồng thời, cũng phải tăng cường vai trò của Hiệp hội ngành nghề. Đặc biệt chú trọng định hướng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản mục tiêu như cơ sở hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông; triển khai tốt Nghị định về hình thức đầu tư PPP.
Ngoài ra, minh bạch hóa thông tin là một giải pháp hữu hiệu để chống tình trạng đầu cơ đất đai, giảm được các chi phí không chính thức... Nên chăng, cần thành lập các trung tâm, các công ty định giá tài sản độc lập, trung tâm thông tin BĐS và dự báo thị trường BĐS...