Yeah1 (YEG) tăng trưởng 58% trong quý 3/2020
Kết quả kinh doanh có cải thiện nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại không có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục âm 51,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 13,1 tỷ đồng. Để bù đắp sự thâm hụt dòng tiền doanh nghiệp đã phải dùng tiền gửi kỳ hạn ngắn bù đắp trong quý III/2020.
Mới đây, YEG đã bán ra 1.774.340 cổ phiếu quỹ với giá bán trung bình là 50.900 đồng/cổ phiếu, trong khi giá mua trung bình là 79.869 đồng/cổ phiếu, có thể thấy doanh nghiệp đã bán thấp hơn rất nhiều so với giá mua vào để thu về dòng tiền khoảng 90,3 tỷ đồng. Đây là số cổ phiếu quỹ được Yeah1 mua từ giữa năm 2019 nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu YEG liên tục lao dốc sau "sự cố Youtube". Giá mua bình quân khi đó là 79.748 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 141 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ khi mua cổ phiếu quỹ, Yeah1 đã bán ra và chịu lỗ tới hơn 51 tỷ đồng (lỗ 36%) do cần bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 của Yeah1
Tính tới 30/09/2020 tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 14,5% về còn 1.295,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn trị giá 663,9 tỷ đồng, chiếm 51,2% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác là 217,6 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác là 123,8 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng tài sản.
Đáng chú ý, lượng tiền và đầu tư tài chính bất ngờ giảm 559,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 90,8% về chỉ còn 56,5 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản đã giảm mạnh từ 40,7% về còn 4,4%.
Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng thêm 26,9% lên 663,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ khoản phải thu ngắn hạn trên tổng tài sản tăng từ 26,9% lên 51,2%.
Có thể thấy mặc dù kết quả doanh thu và lợi nhuận có dấu hiệu cải thiện so với cùng kỳ nhưng tình hình tài chính của doanh nghiệp không có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, lượng tiền và tiền gửi giảm mạnh, trong khi khoản phải thu tăng cao và đặc biệt hơn nữa đó là dòng tiền hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền.
Đáng chú ý, trong 9 tháng doanh nghiệp ghi nhận doanh thu khác là 70 tỷ đồng, lợi nhuận khác là 67,6 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế là 15,8 tỷ đồng, như vậy nếu loại bỏ hoạt động kinh doanh khác thì trong 9 tháng đầu năm doanh nghiệp vẫn kinh doanh lỗ hoạt động cốt lõi. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10, cổ phiếu YEG tăng 100 đồng lên 45.000 đồng/cổ phiếu.
Cuộc chơi mới mong trở lại thời hoàng kim
Nói về bước đi mới của doanh nghiệp, mới đây HĐQT Công ty công bố mảng kinh doanh "chủ lực" Thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer) có tên gọi Giga1, dự kiến huy động khoảng 500 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu Yeah1 hơn 1 năm qua
Ngày 19/10 vừa qua, một công ty con của Yeah1 là Truyền thông trực tuyến Netlink thống nhất phương án phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital). FPT Capital đang là đối tác chiến lược hỗ trợ về vốn cũng như kết nối các nhà đầu tư tiềm năng cho các dự án của Yeah1. Được biết, Netlink theo kế hoạch sẽ đổi tên thành CTCP Công nghệ Thương mại Giga1 và tăng vốn 360 tỷ đồng.
Giga1 theo Tập đoàn là một hệ sinh thái nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy sản xuất tới người tiêu dùng cuối (M2C), gia tăng doanh số bán hàng và tăng quyền lợi cho người tiêu dùng nhờ việc giảm đáng kể chi phí bán hàng. Giga1 sẽ tập hợp các tài sản giá trị của Tập đoàn là: nền tảng thúc đẩy bán hàng hiệu quả (promotion platform): MEGA1, MEGA1 VIP; nền tảng loyalty liên minh: Media One; nền tảng phân phối O2O: MEGA1 Merchants; nền tảng bán hàng qua KOL: Celuv, SGO48, KOC; nền tảng bán hàng liên kết: Netlink, Yeah1 Publishers; nền tảng thanh toán: Ting, Ví điện tử.
Yeah 1 hy vọng, thương mại truyền thông là bước đi mới sẽ đưa Yeah 1 về đích trong năm 2020 và trở lại thời hoàng kim xưa.
Xem Thêm: Hợp tác với Tân Hiệp Phát, Yeah1 kỳ vọng kinh doanh phục hồi
Nguyễn Dung(t/h)