10 doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán tính đến hết quý III/2023
Nhóm dầu khí chiếm ưu thế
Theo thống kê của phóng viên, tính đến hết quý III/2023, tổng số tiền mặt và tiền gửi của 10 doanh nghiệp đang sở hữu nhiều nhất trên sàn chứng khoán đạt 285.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022.
Tổng công ty khí Việt Nam dẫn đầu trong số các công ty có lượng tiền gửi và tiền mặt lớn nhất trên sàn, đạt 40.000 tỷ đồng. Mặc dù con số này đã giảm 800 tỷ đồng so với cuối quý II/2023, tuy nhiên vẫn tăng khoảng hơn 5.700 tỷ đồng so với đầu năm. PV Gas cũng đã thu về 537 tỷ đồng lãi từ tiền gửi tiết kiệm trong quý III và gần 1.600 tỷ đồng sau 9 tháng.
Xếp ở vị trí thứ hai là Lọc hóa dầu Bình Sơn với 36.500 tỷ đồng đang nắm giữ trong tay tính đến cuối quý III. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp này đã tăng 7.500 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng 11.500 tỷ đồng so với số đầu năm.
Bên cạnh PV Gas, một loạt doanh nghiệp dầu khí khác cũng đang nắm giữ lượng tiền lớn cuối quý III như: Petrolimex (26.800 tỷ), PV OIL (12.800 tỷ),Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (10.063 tỷ).
Đại diện nhóm vật liệu xây dựng là “ông lớn” đầu ngành Hoà Phát. Năm 2022, với kết quả kinh doanh thuận lợi từ những năm trước, doanh nghiệp này liên tiếp đứng đầu với số tiền mặt và tiền gửi. Sang quý III, Hoà Phát đang nắm giữ 29.700 tỷ tiền mặt và tiền gửi, giảm 4.900 tỷ đồng so với số đầu năm và giảm 6.300 tỷ đồng so với cuối quý III/2022.
Hòa Phát đã đánh mất vị trí "vua tiền mặt" vào tay của PV Gas từ đầu năm nay, đồng thời không trả cổ tức hai năm.
Với việc không chia cổ tức, 2022 là năm đầu tiên trong lịch sử 16 năm niêm yết Hòa Phát không chia cổ tức. Trước đó, công ty luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức từ 20 - 60%/năm trong đó cao nhất là năm 2009 và thấp nhất là các năm 2011 - 2012.
Lý giải về điều này, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, do nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Cụ thể, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất, riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỷ USD.
“Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực, chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó", ông Long khẳng định.
FPT cũng thuộc top doanh nghiệp nhiều tiền mặt. Tại ngày 30/9, FPT có 26.772 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đang gửi ngân hàng, tăng 37% so với đầu năm, tương đương 7.300 tỷ đồng. Lãi tiền gửi trong 9 tháng mà doanh nghiệp nhận được là 1.264 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện nhóm F&B có số tiền mặt và tiền gửi nhiều nhất 9 tháng là: Vinamilk và Sabeco. Trong khi doanh nghiệp sữa tăng 31% lượng tiền lên 25.900 tỷ thì doanh nghiệp bia lại giảm nhẹ 4,7% xuống 22.400 tỷ đồng. Trong 9 tháng 2023, Vinamilk thu về 1.148 tỷ đồng tiền lãi, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí lãi vay 9 tháng ghi nhận 258 tỷ đồng. Tính ra riêng hoạt động tài chính, VNM đã có lãi gần 900 tỷ đồng.
Sabeco cũng thu về 1.052 tỷ đồng tiền lãi, tăng hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản tiền này cũng tương đương 1/3 lãi sau thuế của doanh nghiệp trong 3 quý và gấp 25 lần chi phí lãi vay (42 tỷ đồng).
Vingroup là doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền giảm mạnh nhất so với đầu năm xét theo giá trị tuyệt đối. Cụ thể, số tiền của công ty này đã giảm 11.600 tỷ đồng, tương đương 35% xuống còn 21.300 tỷ đồng cuối tháng 9.
Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thay vì đẩy dòng tiền vào hoạt động kinh doanh vốn nhiều rủi ro, kênh ngân hàng trở thành “nơi trú ẩn” mới cho dòng tiền của các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt trong 9 tháng vừa qua. Các chuyên gia nhận định, động thái này của doanh nghiệp vừa gia tăng được lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn cho dòng vốn và chờ cơ hội "ấm lên" của nền kinh tế để đầu tư.
Dòng tiền tạm trú ẩn vào ngân hàng
Nhận xét về tình trạng doanh nghiệp chọn ngân hàng gửi tiền lĩnh lãi trong những tháng qua, trao đổi với Thanh Niên PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá điều này phản ánh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên mới tạm thời gửi tiền có kỳ hạn 1 - 3 tháng. "Trong khi chưa có đơn hàng, dự án hay nhận thấy kênh đầu tư nào mang lại lợi nhuận trong thời điểm này, việc chủdoanh nghiệp chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng không có gì khó hiểu", ông Thịnh nhận xét và phân tích trước bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, trong khi vẫn phải duy trì vận hành công ty, phát sinh những chi phí như trả lương cho cán bộ công nhân viên, thuê nhà xưởng… Chọn tạm thời trú ẩn gửi vào ngân hàng nhận lãi cũng tạo thêm nguồn thu. Nhìn vào kỳ hạn màdoanh nghiệp chọn gửi (từ 1 - 3 tháng) cho thấy nếu có cơ hội đầu tư, có đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì dòng tiền này sẵn sàng chảy ra thị trường.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, dự đoán cũng có thể doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng nên buộc phải gửi tiền vào ngân hàng để chờ cơ hội mới. Thế nhưng cũng có khả năng các tổ chức kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, lượng tiền thanh toán từ đối tác về tài khoản trả cho những đơn hàng sản xuất trước đó nên có sự cải thiện hơn trước đây. Tiền mặt màdoanh nghiệp nhận về nhanh, trong khi chưa có thời gian lên kế hoạch sử dụng chúng sao cho có hiệu quả nhất nên tạm thời gửi ngân hàng.