2021 - năm "sôi động" của hoạt động M&A toàn cầu
2021 – Năm của những kỷ lục bị phá vỡ
Theo số liệu của nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic (Vương quốc Anh), tính đến ngày 16/12, giá trị M&A toàn cầu đã tăng 63% lên 5.630 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 5.000 tỷ USD, và bỏ xa mức kỷ lục 4.420 tỷ USD ghi nhận năm 2007, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong đó, tổng giá trị M&A ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi lên 2.610 tỷ USD trong năm 2021, trong khi khu vực châu Âu ghi nhận mức tăng 47% lên 1.260 tỷ USD, và con số này ở châu Á-Thái Bình Dương là 1.270 tỷ USD, tăng 37%.
Công nghệ và chăm sóc y tế, vốn là hai lĩnh vực thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động M&A, vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường này trong năm nay, một phần nhờ nhu cầu gia tăng so với năm ngoái, khi tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm do tác động đối với tài chính toàn cầu từ đại dịch COVID-19.
Bên cạnh các lĩnh vực này, giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang “săn tìm” các công ty mục tiêu thỏa mãn tiêu chỉ thân thiện với môi trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu áp lực ngày càng cao trong việc phải khiến hoạt động kinh doanh của mình “xanh” hơn.
Nhiều thương vụ lớn nhất trong năm nay, như thương vụ sáp nhập trị giá 43 tỷ USD của công ty viễn thông AT&T (Mỹ) và công ty truyền thông đại chúng Discovery Inc, (Mỹ) cũng như thương vụ Blackstone, Carlyle và Hellman & Friedman thâu tóm nhà sản xuất và phân phối thiết bị y tế Medline Industries (Mỹ với giá 34 tỷ USD, đã được công bố trong nửa đầu năm nay, nhưng hoạt động M&A vẫn không hề có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong nửa cuối năm.
Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động M&A, ông Chris Roop, người đứng đầu mảng M&A khi vực Bắc Mỹ của ngân hàng JPMorgan, cho biết: “Tình hình tài chính doanh nghiệp đang khỏe mạnh một cách đáng kinh ngạc, khi được hưởng lợi từ 2.000 tỷ USD tiền mặt chỉ riêng ở Mỹ, và khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn dễ dàng với lãi suất ở mức thấp kỷ lục”.
Các công ty thi nhau huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu, các tập đoàn lớn thì tận dụng thị trường chứng khoán đang bùng nổ để sử dụng cổ phiếu của chính mình làm hình thức thanh toán khi tiến hành các thương vụ M&A, trong khi các nhà đầu tư cũng “đổ xô” vào các công ty đại chúng.
Bên cạnh đó, kết quả lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và một triển vọng kinh tế nhìn chung là lạc quan đang giúp giới lãnh đạo doanh nghiệp tự tin theo đuổi các thương vụ lớn, bất chấp những “cơn gió ngược” như áp lực lạm phát.
Ông Tom Miles, người đứng đầu mảng M&A khu vực châu Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), nhận định: "Các thị trường chứng khoán mạnh mẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy hoạt đông M&A. Giá cổ phiếu cao thường tương ứng với triển vọng kinh tế tích cực và niềm tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp”.
2022 – Hứa hẹn một “vụ mùa bội thu”
Sau một năm phá vỡ kỷ lục, các ngân hàng hiện đang dự đoán sẽ có một “vụ mùa bội thu” trong mảng M&A vào đầu năm 2022.
Trong nửa cuối năm nay, tập đoàn General Electric (Mỹ), công ty dược phẩm Johnson & Johnson (Mỹ) và tập đoàn công nghệ Toshiba (Nhật Bản) là ba trong số những công ty lớn công bố kế hoạch chia tách các mảng kinh doanh cốt lõi của mình.
Xu hướng tăng trưởng trong hoạt đông M&A đang chưa có dấu hiệu giảm tốc, khi các công ty và giới đầu tư đang chạy đua để “chốt đơn” trước khi lãi suất có thể sẽ tăng lên.
Lãi suất được dự đoán sẽ tăng trong những tháng tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ nâng lãi suất trong năm 2022 để kiềm chế đà tăng mạnh của lạm phát. Tuy nhiên, giới lãnh đạo trong ngành ngân hàng dự đoán hoạt động M&A vẫn sẽ mạnh mẽ. Ông Miles cho rằng chỉ sự gia tăng của lãi suất sẽ không thể trở thành “chất xúc tác” làm “lỡ nhịp” thị trường M&A.
Các chuyên gia cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực này đang lo ngại về tác động từ lập trường ngày càng trái chiều của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đối với hoạt động M&A trong năm qua. Kế hoạch mua lại công ty thiết kế chip Arm (Vương quốc Anh) của công ty Nvidia (Mỹ) với giá 40 tỷ USD là một trong những thương vụ gần đây nhất là FTC phản đối.
Ông Krishna Veeraraghavan, chuyên gia mảng M&A của công ty luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison LLP (Mỹ), cho biết thời gian đánh giá các thương vụ của FTC và Bộ Tư pháp Mỹ đang kéo dài hơn bao giờ hết. Ông còn cho biết các công ty sẽ phải đợi lâu hơn để các thương vụ của mình được thông qua. Lên đến một năm rưỡi, thay vì 6-12 tháng như thông thường.
Bất chấp các “chướng ngại vật”, năm sau sẽ vẫn đem đến nhiều cơ hội cho hoạt động M&A, khi thị trường cho các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) gần đây đã tái khởi động, với nhiều thương vụ niêm yết mới thông qua hình thức này ở châu Âu, sau khi trải qua quá trình kiểm tra, giám sát của giới chức quản lý ở Mỹ.