2025 là năm của vàng hay bitcoin?

Tâm Hằng 08:00 | 13/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2024 là một năm tuyệt vời đối với vàng. Giá vàng đã tăng thêm khoảng 30%, trong khi nhu cầu về kim loại quý này cũng phát triển ở hầu hết các khía cạnh.

Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Năm 2024, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng và lập nhiều kỷ lục. Trong khi đó, giá vàng cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố cùng lúc, bao gồm sự “vỡ mộng” đối với các loại tiền pháp định do lệnh trừng phạt ngày càng tăng và việc đồng USD bị biến thành “vũ khí” kinh tế. Trên trang iz.ru, các chuyên gia cho biết năm 2025, giá vàng có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce.

Những yếu tố thúc đẩy giá vàng

Đầu năm 2024, giá vàng dao động ở mức khá cao so với lịch sử, khoảng 2.000 USD/ounce. Mức giá này hầu như “giậm chân tại chỗ” trong vài năm kể từ sau đại dịch. Nhưng trong suốt năm 2024, giá vàng bất ngờ tăng nhanh, bùng nổ mạnh mẽ và đạt gần 2.700 USD/ounce vào một số thời điểm.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá vàng là quyết định giảm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed không chỉ làm hài lòng thị trường tài chính, được thể hiện qua sự tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho giá vàng.

Điều đáng chú ý là, khác với những chu kỳ trước đây, giá vàng năm 2024 không hề giảm ngay cả trong giai đoạn lãi suất cao. Đây là hiện tượng hiếm thấy, bởi lẽ lãi suất tăng thường tạo áp lực giảm giá vàng. Các chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố then chốt đẩy giá vàng lên cao là nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh.

Trong quý I/2024, nhu cầu vàng đạt mức cao nhất kể từ năm 2016. Sang quý II và III/2024, nhu cầu vàng toàn cầu tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Mặc dù dữ liệu quý IV/2024 chưa được công bố, các dự báo cho thấy nhu cầu sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình của những năm trước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhu cầu vàng tăng đột biến là tình hình địa chính trị phức tạp. Năm 2024, dự trữ quốc tế của Nga bị đóng băng, trong khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) quyết định sử dụng thu nhập từ khối tài sản này để hỗ trợ Ukraine.

Đồng thời, các lệnh trừng phạt mới, đặc biệt là các lệnh trừng phạt thứ cấp, đã khiến niềm tin vào các đồng tiền pháp định như USD và euro sụt giảm đáng kể. Trong bối cảnh đó, nhiều chính phủ và cá nhân tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc dự trữ đồng USD.

Vàng trở thành lựa chọn hàng đầu do các giải pháp khác, như việc tạo ra một đồng tiền chung của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, vẫn còn xa vời.

"Vịnh bình yên"?

Hầu hết các chuyên gia tin rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục - vàng sẽ tăng giá và vẫn là “nơi trú ẩn an toàn” của các nhà đầu tư. Theo ông Elman Mehdiyev, người sáng lập dịch vụ Kredcheck, vàng sẽ tiếp tục tăng giá do lo ngại về kinh tế và chính trị toàn cầu. Các ngân hàng trung ương có thể tăng cường mua vàng và các tài sản bền vững khác, trong bối cảnh rủi ro đối với dự trữ ngoại hối tăng lên, đặc biệt là do biến động của tiền điện tử.

Ông Dmitry Puchkarev, chuyên gia tại BCS World of Investments, dự đoán giá vàng có thể đạt mức 2.600–2.900 USD/ounce trong năm 2025. Động lực chính là kỳ vọng Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và các ngân hàng trung ương tăng cường tích trữ vàng.

Trong khi đó, nhà phân tích Ivan Efanov từ công ty Digital Broker còn lạc quan hơn với dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, bất chấp khả năng đồng USD mạnh lên. Ông lý giải rằng sự hỗn loạn địa chính trị và sự mất lòng tin vào các tài sản không được đảm bảo bằng vàng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này.

Trong một thế giới mà tiết kiệm bằng tiền pháp định (tiền giấy) một ngày nào đó có thể bị đóng băng, sự mất lòng tin vào tài sản không được đảm bảo bằng vàng ngày càng tăng. Trong lịch sử, vàng cũng đã giữ giá tốt trong bối cảnh lạm phát, điều mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt.

Nhà phân tích Nikolai Dudchenko của công ty Finam dự đoán, tiềm năng tăng giá của vàng vẫn chưa cạn kiệt. Theo ông Nikolai Dudchenko, những rủi ro địa chính trị bên ngoài vẫn lớn và có thể chúng đã bị đánh giá thấp. Ông nói thêm, một yếu tố khác khiến vàng tăng giá có thể là sự gia tăng thiếu hụt trong trường hợp lợi nhuận từ khai thác vàng giảm và do đó, nguồn cung trên thị trường có thể giảm.

Theo đó, trong tình huống này, giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce và thậm chí 3.300 USD/ounce vào năm 2025.

Trong năm 2024, đồng tiền điện tử bitcoin đã lập kỷ lục mới, vượt mốc 100.000 USD/bitcoin. (Ảnh: REUTERS/TTXVN).

Vàng hay bitcoin?

Bất chấp giá tăng mạnh, vàng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ bitcoin. Cũng như vàng, bitcoin có khối lượng “khai thác” hạn chế và được coi là "tấm khiên" bảo vệ trước các tình huống khó khăn với tiền tệ. Năm nay, giá bitcoin đã tăng vọt nhiều lần và vượt mốc 100.000 USD nhưng cho đến nay đồng tiền này vẫn chưa thể thay thế vàng.

Chuyên gia Elman Mehdiyev cho biết, là một phương tiện dự trữ thì tiền điện tử nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng tài sản này chỉ có thể được sử dụng để tiết kiệm nếu nó được chấp nhận ở mọi nơi, mọi lúc. Nhà phân tích Nikolai Dudchenko lưu ý rằng bitcoin không phải là đối thủ cạnh tranh chính thức với vàng, vì thị trường vàng đơn giản là lớn hơn nhiều.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, năm nay các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 295 tấn vàng (tương đương khoảng 9,5 triệu ounce), với mức giá hiện tại là khoảng 2.650 USD/ounce, số tiền chi tương đương 25 tỷ USD. Tổng cộng, các ngân hàng sở hữu hơn 36.000 tấn vàng (1,2 tỷ ounce) với tổng số tiền trên 3.200 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng số bitcoin đang lưu hành là 19,6 triệu và tổng cộng khoảng 21 triệu bitcoin sẽ được khai thác đến năm 2140, với mức giá hiện tại là khoảng 100.000 USD mỗi bitcoin, thị trường đạt khoảng 2.100 tỷ USD.

Nếu tính từ số lượng bitcoin đang được lưu hành hiện nay, thì vốn hóa là khoảng 1.960 tỷ USD - thấp hơn 1,6 lần so với quy mô dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương trên thế giới.