24 công ty chứng khoán đã công bố BCTC quý I/2023: Phần lớn báo lãi giảm mạnh, 2 cái tên hiếm hoi có lợi nhuận tăng

Diên Vỹ 17:18 | 21/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng và thanh khoản giảm sút, phần lớn công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 đều ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2022.

 

Chứng khoán BSC và Chứng khoán Hải Phòng là hai công ty chứng khoán hiếm hoi báo lãi ròng tăng trưởng trong quý I/2023. Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Là một trong những công ty chứng khoán hiếm hoi ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý, Chứng khoán BSC (BSI) báo doanh thu hoạt động quý I đạt 287 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng gần 98 tỷ đồng, tăng 17%.

Trong kỳ, mặc dù doanh thu môi giới của BSC giảm 54% xuống 53 tỷ đồng nhưng hoạt động tự doanh lại tăng trưởng tích cực. Theo đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 28% lên 125 tỷ đồng. Trừ lỗ, lãi ròng mảng tự doanh quý I đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 37%. Lãi từ khoản đầu tư chờ tới ngày đáo hạn cũng tăng 20% lên 13 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 4% lên 92 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động và chi phí môi giới cùng giảm 2 chữ số cũng góp phần giúp lãi ròng của BSC trong quý có sự tăng trưởng ấn tượng.

Tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong báo cáo tài chính riêng quý I/2023 đã công bố, VDSC báo tổng doanh thu hoạt động gần 139 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt gần 21,2 tỷ đồng, giảm 75%. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh môi giới đạt 34,2 tỷ đồng, giảm 60%. Doanh thu từ các hoạt động cho vay đạt 73,5 tỷ đồng, giảm 26% và doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 73%.

Mặc dù chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong quý I/2023 cũng giảm mạnh 74% xuống hơn 37 tỷ đồng (chủ yếu do chỉ số VN-Index hồi phục 5,71% so với đầu năm dẫn đến quý I/2023 hoàn nhập chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính), VDSC vẫn ghi nhận lãi ròng quý I giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 56 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán, đặc biệt là vấn đề thanh khoản sụt giảm, đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh công ty, nhất là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới.

Cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Theo báo cáo tài chính quý I/2023 đã công bố, BVSC ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong quý đạt 138 tỷ đồng, giảm 45% so với mức thực hiện 250 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán chỉ hơn 46 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 44 tỷ đồng, giảm 40%. Lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 31%, đạt 26 tỷ đồng; bù lại lỗ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/ lỗ (FVTPL) cũng giảm hơn 1 nửa xuống 9 tỷ đồng. 

Điểm sáng là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng lên 18 tỷ đồng từ mức chỉ 15 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, chi phí dự phòng rủi ro tài chính, chi phí quản lý và chi phí môi giới đều giảm mạnh.

Tựu chung, BVSC báo lãi sau thuế 27 tỷ đồng, giảm mạnh 44% so với mức thực hiện 48 tỷ đồng cùng kỳ 2022.

Chứng khoán VPS (VPS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu giảm 46% so với cùng kỳ 2022, về mức 1.362 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng thậm chí giảm mạnh hơn, tới 52% về mức 116 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu mảng môi giới chứng khoán của VPS ghi nhận mức giảm mạnh tới gần 60%, chỉ còn 411 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm hơn 40% về 205 tỷ đồng. 

Ở mảng tự doanh, lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 37%, còn 668 tỷ đồng nhưng bù lại, khoản lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận mức giảm gần 50%, về 588 tỷ đồng. Mức giảm của khoản lỗ đã đưa mảng này lãi trở lại 15 tỷ đồng so với mức lỗ 214 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán ACB (ACBS) tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cũng cho biết doanh thu hoạt động đạt 283 tỷ đồng, giảm 37% so với mức 453 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới giảm mạnh 62%, đạt 51 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu đóng góp 57 tỷ đồng vào doanh thu, nhưng cũng giảm tới 46%. 

Ở mảng tự doanh, lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) quý này chỉ đạt 129 tỷ đồng, giảm hơn 32% so với mức 191 tỷ đồng thu được cùng kỳ năm ngoái. Bù lại, lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ giảm 31% xuống 79 tỷ đồng. Như vậy, mảng tự doanh vẫn có lãi 50 tỷ đồng, dù vẫn giảm so với mức lãi 76 tỷ đồng quý I/2022.

Tựu chung trong quý, ACBS ghi nhận lãi ròng 95 tỷ đồng, giảm 38% so với mức 151 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cũng báo cáo doanh thu hoạt động quý I/2023 đạt 336 tỷ đồng, giảm 45% so với mức thực hiện trong cùng kỳ 2022.

Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp 120 tỷ đồng doanh thu, giảm 43% so với cùng kỳ. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới cũng giảm 64%, đạt 93 tỷ đồng. Riêng mảng tự doanh lãi ròng hơn 67 tỷ đồng nhờ lỗ FVTPL giảm mạnh xuống chỉ còn 257 triệu đồng trong khi lãi FVTPL gần như đi ngang cùng kỳ, đạt gần 68 tỷ đồng.

Kết thúc quý, MBS lãi ròng 121 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 đi lùi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, KIS báo cáo doanh thu đạt 479 tỷ đồng, giảm 17%. Trong đó doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 50%, đạt 64 tỷ đồng, giảm 50%; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 115 tỷ đồng, giảm 20%.

Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 40% xuống 147 tỷ đồng, trong khi lỗ từ FVTPL cũng giảm 27% so với cùng kỳ xuống còn 143 tỷ đồng; giúp mảng tự doanh lãi ròng 4 tỷ đồng.

Một điểm sáng là lãi từ các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro đạt 114 tỷ đồng, tăng 166% và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 38 tỷ đồng, tăng 159%. Chi phí hoạt động cũng giảm 8% xuống 333 tỷ đồng.

Dù vậy, những mức tăng này không bù đắp được mức giảm đáng kể ở các mảng đem lại doanh thu chính là tự doanh, môi giới chứng khoán và lãi cho vay/ phải thu, khiến lợi nhuận sau thuế của KIS giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 79 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Thành Công (TCI) ghi nhận doanh thu hoạt động quý I/2023 ở mức 27 tỷ đồng, giảm 64% so với quý I/2022 và lãi sau thuế 8 tỷ đồng, giảm 77%. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán chỉ gần 4 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ và doanh thu bảo lãnh phát hành chỉ hơn 3 tỷ đồng, tương ứng giảm 75%. Lãi từ cho vay và phải thu chỉ hơn 6 tỷ đồng, giảm 67%. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức gần 3 tỷ đồng, giảm 86%.

Chứng khoán VIX báo doanh thu hoạt động 272 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ trong khi lãi ròng giảm mạnh 96% xuống chỉ còn hơn 10 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu nghiệp vụ môi giới giảm 81% xuống 13 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 42% còn 45 tỷ đồng. Ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 17%, còn 213 tỷ đồng trong khi lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng gần 5 lần lên 235 tỷ đồng; khiến lỗ ròng mảng này trong quý lên tới 22 tỷ đồng. 

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo tài chính quý I/2023 cũng báo doanh thu hoạt động giảm 3% so với cùng kỳ xuống còn 259 tỷ đồng và lãi ròng giảm mạnh 31% xuống 58 tỷ đồng.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) báo doanh thu 699 tỷ đồng và lãi ròng 61 tỷ đồng trong quý I/2023, lần lượt giảm 14% và 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) báo doanh thu quý I/2023 đạt 677 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lãi ròng giảm tới 88%, chỉ đạt 44 tỷ đồng.

Chứng khoán HSC báo doanh thu và lãi ròng trong quý lần lượt 630 tỷ đồng và 124 tỷ đồng, tương ứng giảm 41% và 56% so với cùng kỳ.

Một số công ty chứng khoán thậm chí còn báo lỗ trong quý I, chẳng hạn Chứng khoán Everest (EVS) ghi nhận doanh thu hoạt động 62 tỷ đồng và lỗ ròng 35 tỷ đồng từ mức lãi ròng 30 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Theo lý giải của công ty, thanh khoản thị trường giảm mạnh trong quý dẫn tới doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán, hoạt động cho vay giảm mạnh, giá cổ phiếu giảm làm doanh thu hoạt động tự doanh giảm mạnh dẫn tới kết quả kinh doanh giảm.

Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại, đa phần các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm tốc khi doanh thu mảng môi giới và cho vay sụt giảm mạnh trong bối cảnh thị trường trầm lắng.

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, toàn thị trường chỉ đón nhận thêm 140.024 tài khoản giao dịch mở mới; tức chỉ tương đương khoảng 5% tổng số tài khoản mở mới cùng kỳ năm ngoái. Tính toán của Chứng khoán Rồng Việt cũng cho thấy giá trị thanh khoản bình quân phiên trong quý chỉ đạt 11.337 tỷ đồng/phiên, giảm 63,7% so với quý I/2022 (31.215 tỷ đồng/phiên).