28 doanh nghiệp sắp chia cổ tức, cao nhất phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%
Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) thông báo 20/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu cứ 2 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới).
OCB sẽ thực hiện phát hành 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Theo phương án tăng vốn được ĐHĐCĐ 2023 của OCB thông qua, về số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) vừa chốt ngày 21/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến là 10/10.
Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Petrolimex cần chi 910 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể nhận về 690 tỷ đồng cổ tức nhờ nắm 75,87% vốn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông tập đoàn đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7%, như vậy Petrolimex đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Sang năm 2023, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%.
Kể từ khi niêm yết (2017) tới nay, Petrolimex luôn trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ trên 10%, cao nhất là vào năm 2016 với tỷ lệ 32,24%. Như vậy, 2022 là năm có tỷ lệ trả cổ tức thấp nhất.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, 8 tháng đầu năm nay, Petrolimex ước đạt 169.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 89% kế hoạch cả năm và giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong 2 tháng 7 và 8, doanh thu của Petrolimex ước đạt 35.766 tỷ, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
21/9 cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng) của CTCP Gemadept (Mã: GMD). Với hơn 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gemadept cần chi 602 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến là 29/9.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%.
Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, dựa trên kết quả kinh doanh và kế hoạch đầu tư các dự án mà công ty sẽ cân nhắc việc chia cổ tức đặc biệt từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ. Tuy nhiên, lãnh đạo Gemadept cũng tiết lộ, trong trường hợp thực hiện chia cổ tức đặc biệt thì tỷ lệ sẽ không được cao như năm 2018 (cổ tức đặc biệt 65%).
HĐQT Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi - Mã: SNZ) cũng vừa thông qua việc trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 11% ( 1 cổ phiếu được nhận 1.100 đồng), ngày đăng ký cuối cùng là 22/9.
Với gần 379,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SNZ cần chi hơn 414 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian trả cổ tức dự kiến vào 26/10.
Tính đến ngày 30/06, UBND tỉnh Đồng Nai là cổ đông lớn nhất tại SNZ với tỷ lệ nắm giữ là 99,54% vốn. Như vậy, nhà nước sẽ nhận về tổng cộng hơn 412 tỷ đồng từ đợt cổ tức này của SNZ.
CTCP Cơ Khí An Giang (Mã: CKA) chốt 18/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức bằng tiền năm 2022, tỷ lệ 35% (1 cổ phiếu được nhận 3.500 đồng). Ngày thanh toán dự kiến là 5/10.
Với việc nắm giữ 47,41% vốn điều lệ, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Mã: VEA) sẽ nhận về khoagr 5,3 tỷ đồng tiền cổ tức đợt này của CKA.