3 nút thắt cần gỡ ngay để giải cứu Vietnam Airlines

18:40 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế rơi vào bức tranh ảm đạm và nhiều biến động, trong đó ngành hành không VIệt Nam chịu rất nhiều những khó khăn và thiệt hại.
Hàng không được cho là ngành nghề chịu tác động đầu tiên bởi dịch COVID-19, với Vietnam Airlines, tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng dòng tiền thâm hụt đã lên đến hơn 11.600 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán.
 
3 nút thắt cần gỡ ngay để giải cứu Vietnam Airlines - ảnh 1
 
Dự kiến cả năm nay, dòng tiền của Vietnam Airlines sẽ thâm hụt khoảng 14.500 - 15.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết hiện dư địa để cắt giảm chi phí đầu vào và tăng doanh thu đều đã tới ngưỡng, bởi tất cả các giải pháp quản trị doanh thu có thể thực hiện cũng đều đã được thực hiện hết, trong bối cảnh thị trường nội địa đã tăng trưởng ở mức 75%.
 
Chính phủ đã đề xuất một gói cứu trợ lên đến 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines để đảm bảo lộ trình phục hồi 3 năm của Vietnam Airlines theo kế hoạch. Trong đó, 4.000 tỷ đồng là vay ưu đãi và 8.000 tỷ đồng là tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên vẫn còn 3 vướng mắc lớn cần giải quyết để cứu hãng hàng không quốc gia.
 
Dòng vốn Nhà nước bổ sung từ SCIC vẫn đang tắc nghẽn
 
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến đầu tư 6.800 tỷ đồng vào Vietnam Airlines thông qua mua cổ phần phát hành thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước. Tuy nhiên, cả hai hiện đều đang thuộc sở hữu của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên ngay lúc này, SCIC chưa thể đầu tư vào Vietnam Airlines.
 
Như vậy, Vietnam Airlines không thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư thêm vốn, trong khi nguồn vốn đầu tư của SCIC hiện rất dồi dào, đủ khả năng “bơm” cho hãng hàng không này hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, SCIC và Vietnam Airlines đã làm việc với các bộ, ngành hữu quan để xử lý.
 
“SCIC và Vietnam Airlines đang chờ tín hiệu từ các cơ quan có thẩm quyền để triển khai. Đây là thương vụ rất có ý nghĩa đối với cả SCIC lẫn Vietnam Airlines và chúng tôi tin rằng, thương vụ đầu tư này chắc chắn đạt hiệu quả cao vì sau khi đầu tư, trở thành cổ đông, chúng tôi sẽ tham gia tái cấu trúc hãng hàng không quốc gia để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Đức Chi cho biết.
 
Hiện thị giá của Vietnam Airlines ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu, tức phục hồi khoảng 38% so với vùng đáy tại thời điểm dịch bệnh bùng phát lần 1. Chưa biết giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là bằng mệnh giá, tức 10.000 đồng/cổ phiếu hay một mức giá trung bình nào khác, nhưng rõ ràng, với vai trò nhà đầu tư, SCIC nhìn thấy Vietnam Airlines vẫn có những tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
 
Khoản vay 11.000 tỷ đồng cho ngành hàng không chưa được Chính phủ bảo lãnh
 
Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, cho các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 như: Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không. Nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không.
 
Trong trường hợp này, Bộ KH&ĐT kiến nghị cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.
 
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất Chính phủ bảo lãnh khoản vay khoảng 11.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hàng không.
 
Thuế môi trường với nhiên liệu bay
 
Bộ Kế hoạch và đầu tư còn đề xuất còn một loạt các chính sách hỗ trợ khác như: giảm 70% thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng và tiếp tục giảm 50% giá cất/hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay cho các chuyến bay nội địa kéo dài ra sau ngày 30/9/2020 như quyết định trước đó của Chính phủ. Chính sách này góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
 
Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm khoảng 2,46 nghìn tỷ đồng (bao gồm giảm số thu thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng). Đồng thời, thuế bảo vệ môi trường có tác dụng hạn chế sản phẩm không có lợi cho môi trường, giúp tính đủ các chi phí ngoại ứng tác động đến môi trường do việc sử dụng nhiên liệu bay. Do vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thể tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
 
Các chính sách trên nhằm giúp giảm chi phí và áp lực về dòng tiền đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên có thể tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không. 
 
MỸ Duyên