3 tranh chấp điển hình doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý hậu M&A thành công

13:58 | 26/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không thể phủ nhận thành quả của những thương vụ M&A trong quá khứ cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới nhưng bên cạnh những lợi ích cũng tiềm ẩn không ít rủi ro
M&A là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, để khi có tranh chấp phát sinh thì sẽ đảm bảo được các quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch M&A.
 
Hiện nay, có nhiều phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp trong hoạt động M&A. Bên cạnh phương thức các bên tự thỏa thuận, giải quyết qua thương lượng thì còn có cơ chế khác như hòa giải, trọng tài, tài phán bằng trọng tài và tòa án… Cùng điểm qua 3 tranh chấp điển hình trong M&A để tìm cách khắc phục sớm và hiệu quả.
 

Lao động

Trên thực tế, không ít các thương vụ M&A dù giao dịch thành công nhưng đã phải sớm đối mặt với thất bại do doanh nghiệp chủ quan với một số vấn đề quản trị nội bộ. Sau mỗi thương vụ M&A, vấn đề nhân sự thường không được quan tâm và chú ý đúng mực. Những trở ngại trong việc xử lý nguồn nhân sự, giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên của các doanh nghiệp sau M&A về vị trí, quyền lợi… là một trong những yếu tố cản trở thương vụ M&A thành công.
 
3 tranh chấp điển hình doanh nghiệp cần lưu ý hậu M&A
Hình ảnh minh họa
 
Ở góc nhìn pháp lí, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law, cho biết có nhiều xung đột trong và sau M&A chủ yếu liên quan đến pháp lí, vấn đề dễ nhìn thấy nhất là tranh chấp lao động. Ông Khương lấy ví dụ, "thông thường tại Việt Nam, khi doanh nghiệp xuất hiện chủ mới, ngay lập tức những lao động cũ sẽ xôn xao".
 
Để tránh rủi to này, trước tiên, các bên cần thỏa thuận kế hoạch cụ thể về phương án sử dụng lao động và chế độ lương, thưởng cho người lao động hậu M&A. Việc giải quyết ổn thỏa các chính sách này nhằm giúp nhân sự có thể yên tâm dốc toàn tâm toàn lực cống hiến cho công ty, đồng thời đảm bảo tính ổn định trong nội bộ doanh nghiệp. Tiếp đó, doanh nghiệp cần tạo điều kiện để người lao động làm quen trong công việc hậu thương vụ M&A. Đây là một trong những yếu tố khó khăn nhất doanh nghiệp phải thực hiện, nhưng lại vô cùng quan trọng nhất để đảm bảo đội ngũ lao động của mình.
 

Tài chính công nợ

 
Đây là rủi ro phải chấp nhận trong các giao dịch mua bán, sáp nhập, hợp nhất. Khi xem xét đánh giá tài sản và các khoản nợ, doanh nghiệp đã có dự tính một mức độ tương đối. Có những khoản cho rằng không thu được nhưng có thể sau này vẫn thu được, ngược lại, có khoản tưởng chắc chắn, nhưng lại có thể mất.
 
3 tranh chấp điển hình doanh nghiệp cần lưu ý hậu M&A
Hình ảnh minh họa
 
Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp đều quy định rất rõ về trách nhiệm kế thừa cả nghĩa vụ và quyền lợi. Dù doanh nghiệp có thay đổi chủ sở hữu, loại hình hay chấm dứt hoạt động do bị hợp nhất, sáp nhập, thì doanh nghiệp kế thừa vẫn phải chịu toàn bộ nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ.
 
Ngoài ra, khi doanh nghiệp có sự thay đổi, thì các đối tác thường yêu cầu lập biên bản chốt công nợ, xác nhận trách nhiệm, thanh lý hợp đồng…, để bảo đảm việc thừa nhận nghĩa vụ chắc chắn hơn, mặc dù theo luật thì đó là trách nhiệm đương nhiên của doanh nghiệp kế thừa.
 

Sở hữu trí tuệ

 
Sau khi hoàn tất giao dịch mua bán, một trong những tài liệu cần chuyển đổi đó chính là những tài liệu liên quan đến sở hữu trí tuệ: nhãn hiệu, bản quyền, kiểu sáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, … Bên mua cần thực hiện thủ tục chuyển nhượng chủ sở hữu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản khác có liên quan.
 
3 tranh chấp điển hình doanh nghiệp cần lưu ý hậu M&A
Hình ảnh minh họa
 
Trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp xem nhẹ hoặc bỏ qua vấn đề này dẫn đến việc không có văn bản chuyển nhượng, hoặc nếu có thì cũng bị coi là không có hiệu lực do chưa đăng kí với Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đăng kí hợp đồng chuyển nhượng là căn cứ pháp lý bắt buộc và cần thiết để ghi nhận lại quyền sở hữu chủ doanh nghiệp đối với tài sản sở hữu trí tuệ tránh những tranh chấp không đáng có.
 
Một điểm lưu ý nữ là các nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ một số quy định đặc thù theo luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thuộc loại tài sản trí tuệ không cần hoặc không thể đăng ký văn bằng bảo hộ (ví dụ, bí mật kinh doanh hoặc quyền tác giả và quyền liên quan), bên mua nên kiểm tra xem liệu rằng công ty mục tiêu có đáp ứng đủ các điều kiện luật định để được xem là chủ sở hữu của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này hay không.
 
Thanh Thùy (T/h)