3 vấn đề lớn của ngành logistic
Theo khảo sát và ghi nhận của VLA gần đây: 20-50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (cả về doanh thu và hoạt động) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Trong đó, dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.
"80% hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất và một số doanh nghiệp sẽ giải thể nếu đại dịch kéo dài thêm một thời gian nữa", ông Hiệp thông tin.
Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các doanh nghiệp theo cơ chế thuận tự nhiên. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng.
Theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Việt Nam đang có vị thế địa chính trị tốt, nhất là sau thắng lợi của việc chống đại dịch, cùng với đó là việc thực hiện EVFTA, CPTPP tạo ra sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu và đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản và các nước EU.
Việt Nam còn có lợi thế là 4 chuỗi cung ứng ngành hàng điện thoại thông minh và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng, nằm trong nhóm có tỷ trọng cao 40-50% tỉ trọng xuất nhập khẩu cả nước đều liên quan đến các quốc gia không ảnh hưởng nặng do đại dịch.
"Đây là những lợi thế rất lớn để Chính phủ, Bộ KH&ĐT có kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả, giúp đất nước phục hồi kinh tế sớm", ông Hiệp nhận định và "hiến kế", ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là tài chính, hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực nhằm khôi phục và thúc đẩy dịch vụ phát triển trong 2020-2021.
Để giải quyết những vấn đề đó, Hiệp hội kiến nghị 7 điểm, gồm: Đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đảm bảo an sinh xã hội một cách thuận lợi; Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của sản xuất, xuất khẩu và xã hội nói chung; Lãi ưu đãi vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục vay; Tận dụng việc giảm hoặc hoãn trả thuế doanh nghiệp. Tháng 07/2020, Chính phủ sẽ có Nghị định giảm thuế TNDN còn 15-17% cho SME; Giảm chi phí về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Cụ thể giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong 1 năm; giảm 20-30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian 6 tháng đến 1 năm; Kịp thời giảm giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới. Giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải đường bộ; Hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong năm 2021.