30 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội, mong môi trường kinh doanh nhuận sắc

16:06 | 21/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội đều mong muốn có thể truyền tải nguyện vọng cử tri, góp ý kiện toàn khung khổ pháp lý về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

30 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội

Trong danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 30 lãnh đạo doanh nghiệp ứng cử. Trong đó có 20 người là nam, 10 người là nữ.

Cụ thể, 30 lãnh đạo doanh nghiệp ứng cử ĐBQH khóa XV gồm các ông: Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hội xây dựng và vật liệu xây dựng TPHCM; Trịnh Chí Cường – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến; Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần An Bình CGT; Lê Xuân Quế - Phó TGĐ thứ nhất Tập đoàn Sao Mai, Giám đốc chi nhánh Sao Mai tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Trần Phú Thái – Quản lý điều hành Tổng công ty phát điện 2, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Phát điện 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trần Văn Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Dừa Bến Tre, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre; Phạm Tiến Hoài- Giám đốc công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh và công ty TNHH MTV thực phẩm Hạnh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang.

Ông Lê Mạnh Hùng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Nguyễn Cao Sơn – Ủy viên Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình; Hà Ngọc Phi – Tổng Giám đốc Công ty CP công trình đô thị Vạn Ninh, Khánh Hòa; Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam cũng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới.

Danh sách còn có các ông Trịnh Đức Tới - Phó Giám đốc công ty TNHH Nutreco - Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Nguyễn Quang Huân –Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam; Nguyễn Văn Cảnh – Phó Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ - Du lịch Quốc Thắng, kiêm Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển (tỉnh Bình Định)

Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó TGĐ công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Huỳnh Thành Chung – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước, ông Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL, Tổng giám đốc công ty TNHH Trần Liên Hưng Sóc Trăng, ông Hà Minh Thọ - Thành viên Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc công ty cổ phần Địa chất mỏ - TKS, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Trong 30 lãnh đạo doanh nghiệp, có 10 người là nữ ứng cử đại biểu Quốc hội lần này, gồm bà Nguyễn Thị Thùy Thuận – Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch và thương mại HT Safbel, bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Giám đốc điều hành công ty cổ phần sản xuất thương mại Abavina, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thúy Kiều – Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Ba Tre, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, bà Lê Thị Hồng Minh – Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, bà Ninh Thị Bích Thùy – Tổng giám đốc công ty cổ phần thép TVP, Chủ tịch Khu công nghiệp Phúc Long, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nhân tỉnh Long An, bà Khương Thị Mai – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam, bà Ngô Tường Vy –Phó Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp, bà Trần Thị Hiền –Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam; Trần Võ Hoài Hương – Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty cổ phần Môi trường Sonadezi, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, có 3 ứng viên là lãnh đạo các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Gồm ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC) và ông Lê Xuân Quế – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.

Đáng chú ý, trong số này có những lãnh đạo doanh nghiệp từng là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV. Đó là ông: Nguyễn Như So (ĐBQH khóa XIV, đoàn Bắc Ninh), Đỗ Văn Vẻ (ĐBQH khóa XIII, đoàn Thái Bình), ông Nguyễn Văn Thân (ĐBQH khóa XIV, đoàn Thái Bình), ông Trần Khắc Tâm (ĐBQH khóa XIII, đoàn Sóc Trăng), ông Lê Minh Chuẩn (ĐBQH khóa XIV, đoàn Quảng Ninh), bà Đỗ Thị Thu Hằng (ĐBQH khóa XIII, XIV, đoàn Đồng Nai).

30 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội, mong môi trường kinh doanh nhuận sắc - ảnh 1

 

Góp sức xây dựng thể chế cho doanh nghiệp phát triển

Hầu hết chương trình hành động của các doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội đều cam kết là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy giải quyết nhiều góc cạnh kinh tế - xã hội. Hầu hết mong muốn có thể truyền tải nguyện vọng cử tri, góp ý kiện toàn khung khổ pháp lý về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đánh giá về sự tham gia của các doanh nhân vào đợt bầu cử kỳ này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính kỳ vọng họ sẽ giúp thay đổi, sửa đổi những cơ chế, chính sách chưa phù hợp thực tiễn của Quốc hội. Điều này là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát triển vững chắc hơn.

Ông Lê Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiêm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM - nói: ”Đã tham gia nghị trường, tôi phải đóng góp ý kiến cho tới nơi tới chốn chứ không thể làm nửa vời. Đã làm thì phải làm cho tròn trách nhiệm của mình, của người đại diện tiếng nói cử tri, đặc biệt là khối DN.

Tôi cho rằng chất vấn Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội, song vấn đề phải có nhiều đóng góp về giải pháp để đưa ra những quy định pháp lý logic, khoa học, chặt chẽ và minh bạch.

Hiện nay ở nước ta còn tình trạng luật ra rồi mà chưa thi hành được, làm thế nào luật phải đi kèm hướng dẫn thi hành, không phải chờ Chính phủ ra nghị định, thông tư hướng dẫn mới được áp dụng. Sắp tới nếu có ý kiến đóng góp, tôi nghĩ tại sao Quốc hội không kết hợp với Chính phủ để mà ra luật và ra luôn những quy định về thi hành”.

Ông Lê Viết Hải còn cho biết  sẽ thực thi 8 đầu việc chính, nếu trúng cử. Bên cạnh tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, doanh nhân này muốn thúc đẩy công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp sáng kiến quy hoạch theo hướng hình thành các đô thị vệ tinh cho TP HCM và xây dựng cơ chế đặc biệt cho thành phố mới Thủ Đức.

Còn ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Agribank, đại diện khối doanh nghiệp Nhà nước, khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành, trọng tâm là các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư phát triển và đề xuất các sáng kiến triển khai chương trình an sinh xã hội, tập trung giúp đỡ người nghèo, cận nghèo... nếu trúng cử.

Đánh giá về sự tham gia của các doanh nhân vào đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho là "cần thiết", nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Sự tham gia ngày càng nhiều của họ tại nghị trường, ông Thịnh nhận xét, cho thấy sự trưởng thành của doanh nhân Việt Nam và khẳng định vị trí, tác động tích cực tới xã hội. Mặt khác, doanh nhân tại nghị trường sẽ phản ánh những mong muốn sát sườn nhất của doanh nghiệp, người dân, cũng như tác động trong thay đổi, sửa đổi cơ chế, chính sách của Quốc hội chưa phù hợp thực tiễn. Điều này là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát triển vững chắc hơn.

Trọng Trí

Xem thêm

Bốn nguyên tắc cơ bản trong bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND