5 nhóm đối tượng nào tại TP.HCM sẽ được nhận gói hỗ trợ đợt 3?

15:37 | 23/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
HĐND TP.HCM vừa ban hành Nghị quyết 97 về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đợt 3, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Theo đó, HĐND thành phố quyết nghị quy định chính sách hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn thành phố (đợt 3) gồm 5 nhóm đối tượng, thêm một nhóm đối tượng so với đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình trước đó. 

5 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ đợt 3.

Cụ thể, nhóm 1 là các thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.

Nhóm 2 là người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm những người đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

Nhóm 3 người phụ thuộc của đối tượng ở nhóm 2 gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

Nhóm 4 là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc; sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt tại xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

Nhóm 5 là người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại xã, phường, thị trấn.

TP.HCM không hỗ trợ đối với các trường hợp người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.

Số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7.347.116 người. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người bằng hình thức trực tiếp hoặc chuyển khoản (tùy theo nhu cầu người nhận).

UBND TP.HCM cho biết đây là số liệu dự kiến và đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách để thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng, đưa vào kế hoạch của UBND TP.HCM để triển khai thực hiện.

Kinh phí dự kiến hơn 7.347 tỷ đồng của đợt hỗ trợ này sẽ được trích từ ngân sách TP.HCM (bao gồm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020).

Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú, không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Để thực hiện gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn TP.HCM từ sau ngày 15/9 được kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý, UBND TP.HCM trình Thường trực HĐND TP.HCM xem xét và phê duyệt (kèm dự thảo Nghị quyết) chính sách trên.

UBND TP.HCM sẽ tổng hợp kết quả thực hiện các gói hỗ trợ báo cáo trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp gần nhất.

 

TP.HCM nới lỏng theo từng giai đoạn

Theo kế hoạch về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM, từ sau ngày 15/9, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên mở cửa một số ngành hàng, lĩnh vực cần thiết theo lộ trình, cụ thể:

Giai đoạn từ ngày 1/10 – 31/10, thành phố nới lỏng giản cách xã hội, từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả theo đánh giá mức độ nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine.

Giai đoạn từ 01/11 – 15/1/2022, thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả và phấn đấu đưa thành phố hoạt động ở trạng thái bình thường mới sau ngày 15/1/2021.

Tuy nhiên, trước mắt, từ 16/9 – 30/9, thành phố sẽ thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội, ưu tiên mở một số lĩnh vực theo lộ trình mở cửa lại hoạt động kinh tế với các địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7… với mức độ nới lỏng, mở cửa từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

thành phố sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch của từng ngành, lĩnh vực để từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh những vẫn đảm bảo phòng ngừa, kiểm soát dịch.

Đặc biệt, nghiên cứu, từng bước triển khai thí điểm "thẻ xanh COVID" với nhiều cấp độ và điều kiện riêng.