Quân y tăng cường hỗ trợ TP.HCM kiểm soát Covid-19
Thêm 4.000 lính quân y đến TP.HCM
Chiều 21/9, 800 cán bộ, chiến sĩ quân y đã di chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TP.HCM. Đây là đợt chuyển quân đầu tiên trong số 4.000 quân được điều động để tăng năng lực xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM.
Trao đổi với Zing, đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, cho biết 4.000 quân nhân được điều động bao gồm 800 người từ Hà Nội và 3.200 người từ các địa bàn phía Nam. Số quân nhân này đều có trình độ y khoa và sẽ được tập huấn thêm kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu test nhanh.
Đại tá Giang cho biết lực lượng của TP.HCM hiện có 1.600 tổ xét nghiệm với năng lực xét nghiệm 480.000 mẫu/ngày. 4.000 quân nhân tăng cường cộng với lực lượng quân y hiện có tại TP.HCM sẽ tạo thêm 2.500 tổ xét nghiệm, đảm bảo công suất 750.000 mẫu/ngày.
"Như vậy, nếu làm đủ công suất, toàn TP.HCM sẽ xét nghiệm được 1,2 triệu mẫu/ngày, đủ điều kiện để quét bóc được F0 khỏi cộng đồng", lãnh đạo Cục Quân y nói và cho biết phương pháp xét nghiệm thời gian tới sẽ chủ yếu là test nhanh kháng nguyên, chỉ dùng PCR khi cần thiết.
Sau khi xuống máy bay, các quân nhân sẽ về đóng quân tại trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP.HCM) và sau đó được phân về các phường xã để xét nghiệm cho cư dân địa phương.
Từ ngày 23/8 đến nay, hơn 10.000 quân nhân tăng viện đã có mặt tại TP.HCM để giúp TP dập dịch Covid-19. Họ vận hành các trạm xá lưu động để chăm sóc F0 tại nhà, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân và chốt trực đảm bảo kỷ luật giãn cách xã hội.
Kiến nghị Trung ương cấp 10 triệu bộ kit test nhanh
Đề nghị trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu trong văn bản vừa gửi Thủ tướng nhằm tổ chức xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại TP.HCM từ nay đến cuối tháng 9.
Theo UBND TP.HCM, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng ngày 19//9 về tăng cường xét nghiệm diện rộng trên địa bàn và Công điện của Bộ Y tế, UBND TP.HCM đã làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án tổ chức xét nghiệm diện rộng tới 30/9.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống Covid-19.
Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao), tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0.
Cách thực hiện là triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình và giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên chỉ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi người dân không thể tự lấy mẫu.
Hơn 7,3 triệu người khó khăn sẽ nhận gói hỗ trợ thứ 3
Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 20/9, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, đã thông tin về gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân trên địa bàn TP.
Do giãn cách xã hội kéo dài, người dân đã khó nay lại tiếp tục khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM, lãnh đạo TP nhận thấy người lao động là bộ phận quan trọng đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của TP.HCM.
"Trong lúc khó khăn, không có lý do gì TP không chăm lo cho đời sống người dân. Đó là nghĩa cử và trách nhiệm với bà con. TP đã thực hiện 2 gói hỗ trợ vào tháng 7, tháng 8 vừa qua và đang chuẩn bị cho gói hỗ trợ thứ 3. Trên cơ sở danh sách gói 1, gói 2 và cập nhật bổ sung các hộ khó khăn, hình thành danh sách của gói hỗ trợ thứ 3; đảm bảo những người khó khăn đều được chăm lo" - ông Hoan khẳng định.
Gói hỗ trợ thứ 3 có 4 nhóm đối tượng chính, gồm:
- Thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn;
- Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...);
- Người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...);
- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Số lượng hỗ trợ dự kiến là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú hay tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Cách thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển thẳng vào tài khoản người dân (tùy theo nhu cầu của người nhận hỗ trợ). Dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 7.347 tỉ đồng.
Dự kiến chậm nhất là ngày 24/9, người dân sẽ nhận được gói hỗ trợ thứ 3.