5 nhóm giải pháp phát triển đô thị bền vững cho Việt Nam
Loạt hạn chế, bất cập của thực trạng phát triển đô thị
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ năm 1998 đến hết tháng 9/2023, số lượng đô thị Việt Nam đã tăng từ 633 lên 902, tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị tăng lên khoảng 42,6% vào tháng 10/2023.
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 chiều 8/11 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô Thị, Bộ Xây dựng nhận định, chất lượng đô thị đang từng bước được nâng cao theo hướng đồng bộ đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn.
Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng nhận định, các đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết; Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn; Không gian công cộng đô thị có chất lượng cải tạo thấp, chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân và tăng sức hút của đô thị; Phát triển mới mật độ thấp, chưa gắn kết với hệ thống hạ tầng đô thị. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển; Hệ thống các công trình HTXH còn thiếu, thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn; Khai thác không gian ngầm, công trình ngầm còn rất hạn chế; Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới; Các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc, chủ yếu là các văn bản ở cấp dưới Luật…
Trao đổi thêm với phóng viên bên lề hội thảo về một số vấn đề cụ thể tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, ông Đỗ Việt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Trong công tác quy hoạch đô thị, dự báo phát triển không chính xác. Dân số đô thị thường vượt xa dân số dự báo dẫn đến những khó khăn chính về vấn đề nhà ở và dịch vụ xã hội. Sai lầm khi dự báo một cách chính xác sự phát triển kinh tế của một số đô thị đã dẫn đến việc rất nhiều lĩnh vực khác của quy hoạch tổng thể trở nên lạc hậu và thiếu chính xác.
Sự mở rộng các khu vực kinh tế đô thị đã làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện,... Sự mất cân đối của việc cung cấp hệ thống hạ tầng xã hội/cộng đồng khi phải phục vụ cho lượng dân cư tăng lên; Sự mở rộng không gian quá mức của đô thị lấn chiếm vào các khu cây xanh/đất nông nghiệp ở khu vực ranh giới đô thị/nông thôn; Sự bất lực của Quy hoạch tổng thể khi được sử dụng như một công cụ cho giải quyết các vấn đề tồn tại ở đô thị”.
5 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam
Từ thực trạng đó, Bộ Xây dựng đề xuất 5 nhóm giải pháp, Đầu tiên là phân loại và quản lý phát triển hệ thống đô thị theo mạng lưới. Theo đó cần quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị; Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.
Thứ hai, phát triển mới, cải tạo chỉnh trang, tái phát triển đô thị theo chương trình, khu vực, hướng tới phát triển bền vững: Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa phát triển các đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, theo kế hoạch, theo định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh.
Thứ ba, quản lý phát triển hạ tầng đô thị: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng xã hội và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị.
Thứ tư là quản lý phát triển không gian ngầm đô thị để góp phần đa dạng hóa không gian phát triển.
Cuối cùng là phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.