5 tháng của năm 2021: Hơn 420.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế

16:49 | 05/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
420.000 tỷ đồng đã được hệ thống tổ chức tín dụng bơm ra nền kinh tế từ đầu năm đến nay bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 9.192.566 tỷ đồng. Trong năm 2020, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 12,17%, tín dụng tăng chậm những tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng bật tăng mạnh trong quý 4.

Từ đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc hơn hẳn so với cùng kỳ. Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2021 đạt 4,67%, cao hơn nhiều so với mức 2% của 5 tháng đầu năm 2020.

5 tháng của năm 2021: Hơn 420.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Như vậy, ước tính hơn 420.000 tỷ đồng đã được hệ thống tổ chức tín dụng bơm ra nền kinh tế từ đầu năm đến nay. Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng cả hệ thống đã vượt 9,6 triệu tỷ đồng.

Trước đó, tính đến 16/4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Điều này có nghĩa trong tháng 5 vừa qua, bất chấp việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng trở lại ở một số địa phương, tín dụng vẫn có tăng trưởng đều đặn. Ước tính từ 16/4 đến hết tháng 5, nền kinh tế đã được bơm thêm hơn 120.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, báo cáo tài chính quý 1/2021 chỉ ra nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh như MSB tăng 12,6%, Sacombank tăng 4,9%, ACB tăng 4,1%, MBB tăng 8,6%, Techcombank tăng 6,7%…

Tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm cũng là một trong những yếu tố giúp nhiều nhà băng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng cao, từ đó có lợi nhuận trước thuế ấn tượng.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng đang tăng nhanh hơn so với huy động vốn. Số liệu gần nhất về tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng là tới ngày 19/3/2021 do Tổng cục Thống kê công bố, tăng khoảng 0,54% so với đầu năm. Trong khi đó, cũng tính đến 19/3, tăng trưởng dư nợ tín dụng đã đạt 1,47%. Chênh lệch này có thể khiến cho thanh khoản hệ thống trong năm 2021 nhiều khả năng không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020.

Trước đó, ngày 03/6, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 3947/NHNN-TD, yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, ...) triển khai các nội dung sau:

Nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định.

Cùng với đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Xuân Tùng (th)