Bao giờ tiền hết ế?

Hạ An 11:06 | 11/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ khi nào dòng tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế tạo sinh khí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp dám đầu tư, mở rộng quy mô, vòng quay tiền được đẩy nhanh thì "cỗ máy" tăng trưởng GDP mới có động lực để tăng tốc.

Chưa khi nào hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành dồn dập, liên hoàn như giai đoạn nửa đầu năm nay. Chỉ trong vỏn vẹn ba tháng, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành liên tục từ tháng 3-tháng 6/2023, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu còn 4,5%/năm và 3,0%/năm.

Động thái cắt giảm lãi suất liên tục theo Ngân hàng HSBC đánh giá Việt Nam là trường hợp đặc biệt trong ASEAN khi tiến hành cắt giảm lãi suất trước cả Fed. Song thực sự, đằng sau đó là nỗ lực "bù đắp" cho thị trường sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức dẫn đến áp lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Theo cách nói của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành thì nền kinh tế Việt Nam đã phải “trả giá” vì câu chuyện thắt chặt tiền tệ trong giai đoạn cuối năm ngoái đầu năm nay nhưng bù lại lạm phát cũng được kiểm soát. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế yếu đi, sức cầu yếu khiến lạm phát đã giảm rõ rệt.

Với động thái tích cực là hạ lãi suất nhưng mặt bằng lãi suất muốn có thay đổi cũng cần một độ trễ nhất định nên chưa thể hiện nhiều vào những tháng đầu năm mà phải quý III, quý IV mới có thể thấy rõ tác động, chuyên gia nhìn nhận.

Vì vậy, một câu hỏi lớn đối với nền kinh tế nửa cuối năm được đưa ra đó là: Hiệu quả của những chính sách tiền tệ đến đâu và khi nào "liều thuốc" này mới thực sự thẩm thấu vào nền kinh tế?

 

Tiền vẫn "ế" sau nhiều nỗ lực

"Chất lượng tăng trưởng tín dụng" vẫn đang là dấu hỏi cực kỳ lớn, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 4,7% so với đầu năm; nhưng tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản đã tăng 14%, trong đó một phần không nhỏ là do áp lực trả nợ từ trái phiếu doanh nghiệp.

Với thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay, rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn do các ngân hàng thương mại đang được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chuyển dần về tương lai.

 

Nhìn chung, ngay cả khi lãi suất giảm thì theo đánh giá của các chuyên gia lãi suất cho vay thực tế của Việt Nam vẫn ở mức "khá cao" so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, thêm nguyên nhân nữa là bối cảnh sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay không còn được như trước nên khó có thể tiếp cận tín dụng như trong điều kiện thông thường.

Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp hiện có rủi ro tài chính rất lớn nên chỉ có một bộ phận được ngân hàng đánh giá là tình hình sản xuất kinh doanh tốt thì mới có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Với các doanh nghiệp vay vốn lưu động ngắn hạn có tài sản đảm bảo thì mới vay được còn với bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, thì hầu hết doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Thứ hai là, một bộ phận doanh nghiệp bất động sản đã vay nợ dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thì bây giờ họ có nhu cầu vay vốn ngay cả khi lãi suất cao. Vì vậy, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm chắc chắn sẽ giảm nhưng không thể quay về mức thấp như thời kỳ COVID-19.

Dư địa của chính sách tiền tệ đã dần cạn ở khía cạnh cắt giảm lãi suất điều hành, VDSC mới đây đánh giá, NHNN có thể có thêm một lần cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản trong quý III/2023 đưa mặt bằng lãi suất điều hành sẽ trở về mức thấp của giai đoạn COVID-19.

Khác với năm 2022 khi thị trường trông ngóng vào "room tín dụng" thì năm nay NHNN đã cấp toàn bộ hạn mức tín dụng cho cả năm để các ngân hàng thương mại chủ động trong kế hoạch kinh doanh và thúc đẩy cầu tín dụng trong nửa sau năm 2023.

Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ để tín dụng tăng tốc là niềm tin kinh doanh và tiêu dùng hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong nửa sau năm 2023 mà hai yếu tố này vẫn chưa thể tích cực trong một sớm một chiều.

Nói cách khác, tiền vẫn "ế" dù Chính phủ đã đặt mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay 1,5-2,0% trong năm 2023.

Hiệu quả của các gói hỗ trợ đến đâu?

Cùng với việc thúc đẩy giảm lãi suất liên tục, nhiều gói hỗ trợ, cho vay lãi suất ưu đãi cũng được tung ra trên thị trường nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô thực hiện trên thực tế từ các gói này còn rất nhỏ và hiệu quả tới đâu thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Tính đến ngày 30/6/2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ mới giải ngân được 168 tỷ đồng (tương đương 0,7% kế hoạch năm) và đang được đề xuất chuyển nguồn sang các gói khác có tính khả thi cao hơn. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, sau 3 tháng triển khai mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng cam kết cho vay.

Phân tích kỹ hơn về những ưu đãi ở gói 120.000 tỷ, nhiều chuyên gia đánh giá mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua vẫn đang quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập trung bình đổ xuống tại các khu vực thành thị, khiến dự án nhà ở xã hội có thể không đáp ứng đúng đối tượng mục tiêu.

Tính toán chỉ ra, mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm mới là phù hợp với phần lớn đối tượng người lao động để tham gia mua được các dự án nhà ở xã hội.

"Hiệu quả của các gói hỗ trợ sẽ khó mà đạt được nếu xuất hiện nhiều điểm bất hợp lý ngay từ khâu thiết kế chính sách", một chuyên gia thẳng thắn chỉ ra.

 (Nguồn: Khảo sát của Ban IV).