50.000 tấn gạo của Việt Nam sẽ xuất sang Bangladesh trong tháng 4/2021

17:10 | 25/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood) đã thắng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo 5% tấm cho Bangladesh với giá 522 USD/tấn, FOB TP.HCM. Gạo dự kiến sẽ được giao trong tháng 4/2021.
Đại diện của Việt Nam là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã đàm phán và ký kết thành công hợp đồng tập trung xuất khẩu 50.000 tấn gạo sang thị trường Bangladesh.

Hợp đồng được ký kết với mức giá hơn 600 USD/tấn, giá CIF - là mức giá giao hàng tại điểm đến của bên mua và giá FOB - giá giao hàng tại cảng của bên bán là trên 520 USD tấn. Lượng gạo này dự kiến sẽ được giao trong tháng 4/2021.
 
Hồi đầu tháng 3 năm nay, Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất mua riêng rẽ tổng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, Bangladesh sẽ mua 150.000 tấn gạo phi basmati từ Công ty cung ứng dân sự bang Punjab (Punsup) của Ấn Độ, để đáp ứng các mục đích khẩn cấp, 150.000 tấn khác từ Hội đồng nông dân quốc gia Sakonnakhon của Thái Lan, và 50.000 tấn gạo trắng từ Vinafood của Việt Nam.
 
Các đại sứ của nước này tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đàm phán với các công ty và tổ chức liên quan để ấn định giá gạo nhập khẩu.
 
50.000 tấn gạo của Việt Nam sẽ xuất sang Bangladesh  t4/2021
 
Trong thời gian gần đây, Bangladesh liên tục thu mua gạo do nguồn cung nội địa thiếu hụt khi các trận lũ lụt lớn liên tiếp xảy ra, đẩy giá gạo trong nước tăng cao. Dự báo sản lượng gạo vụ mưa (Aman) của Bangladesh trong năm nay sẽ giảm đến 15%.
 
Theo dự báo của Bộ Lương thực Bangladesh, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong tài khóa 2020/2021 (tháng 6/2020 – tháng 6/2021) có thể tăng mạnh lên 2 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với con số 4.000 tấn gạo được nhập trong năm tài chính 2019/2020.
 
Đầu tháng 1/2021, lượng gạo dự trữ của Chính phủ Bangladesh chỉ còn ở mức 530.000 tấn, tương đương 50% so với mức dự trữ tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực của nước này.
 
Nhu cầu nhập khẩu gạo mạnh mẽ từ Bangladesh góp phần đẩy giá gạo xuất khẩu ở Châu Á tăng mạnh, trong đó có gạo Việt Nam. Tuần qua, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giá tăng lên 510 – 515 USD/tấn, so với 500 – 510 USD/tấn một tuần trước đó. Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 505 – 513 USD/tấn, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ là 398 – 403 USD/tấn, đều quanh mức cao nhất nhiều tháng.
 
2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 656.000 tấn gạo, kim ngạch gần 359,5 triệu USD, giá trung bình đạt 547,9 USD/tấn, giảm mạnh 29,4% về lượng, giảm 16,5% về kim ngạch nhưng tăng 18,2% về giá so với 2 tháng đầu năm 2020.
 
Năm 2020, cả nước đã xuất khẩu trên 6,15 triệu tấn gạo, thu về 3,07 tỷ USD, giảm khoảng 3,5% về lượng so với 2019, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, đạt bình quân 499 triệu USD/tấn (tăng 13,3% so với 2019) nên trị giá xuất khẩu tăng tới 9,3%.
 
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ tương đối thuận lợi. “Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã có những đơn hàng xuất khẩu với giá rất cao. Chẳng hạn, công ty chúng tôi ký từ tháng 1-2021 gạo 5% tấm là 560 đô la Mỹ/tấn và bây giờ ký với giá 540 đô la Mỹ/tấn”, ông Bình dẫn chứng.
 
Đối với Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay, ông Bình cho rằng, thị trường này vẫn đang trông chờ giá gạo Việt Nam sẽ sụt giảm, tuy nhiên, gạo Việt Nam bây giờ không thể bán thấp hơn mức giá 530 đô la Mỹ/tấn. “Nếu Philippines mua dưới 530 đô la Mỹ/tấn thì không bao giờ có gạo”, ông Bình cho biết và nói rằng, với một số doanh nghiệp “thích” bán giá thấp cho Philippines, thì bây giờ cũng không có nguồn cung vì giá giao dịch trong dân bây giờ đang ở mức cao, không có nguồn cho giá thấp.
 
 
Nguyễn Dung