6 tháng đầu năm: Tăng trưởng xuất khẩu dần tiệm cận với chỉ tiêu Quốc hội
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018 (thấp hơn mức tăng 16,4% của cùng kỳ năm 2018 so với năm 2017), bằng 46,55% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 36,67 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu diễn biến theo chiều hướng tăng dần qua các tháng và dần tiệm cần với chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2019 (tăng trưởng đạt 7-8%).
Về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu, tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018. Có tới 35/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là 6 tháng đầu năm nay được bổ sung thêm 2 mặt hàng mới đạt giá trị trên 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước là rau quả và xơ, sợi dệt với kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt là 2,08 tỷ USD và 2,01 tỷ USD.
5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 23,47 tỷ USD, tăng 3,8%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13,9%), hàng dệt và may mặc (ước đạt 15,04 tỷ USD, tăng 9,9%), giày dép các loại (ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 14,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (ước đạt 8,22 tỷ USD, tăng 6,3%).
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 31,5% (đạt 1,81 tỷ USD); Mexico tăng 22,4% (đạt 1,3 tỷ USD). Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 27,4% so với cùng kỳ, ước đạt 27,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%).
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thực sự bền vững. Cán cân thương mại chưa ổn định. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá cả) còn phổ biến,… dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại… Theo thống kê, giá xuất khẩu gạo đã giảm tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2018, cà phê giảm 11,7%, cao su giảm 6%.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.
Việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý nhập khẩu chưa thực sự hiệu quả, chưa góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO đồng thời chưa góp phần quản lý tốt chất lượng hàng hóa nhập khẩu.