60.000 doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số
Việt Nam có một lực lượng doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của các ngành, các địa phương.
Đây là khẳng định Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên toàn thể Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia ngày 30/12.
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số và đạt được những kết quả tác động rõ rệt đến người dân cũng như nền kinh tế, như số lượng dịch vụ cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) sau một năm vận hành lên tới con số 2.700.
Bộ Y tế đã công bố 3 nền tảng ứng dụng chuyển đổi số quan trọng với sự chứng kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Khi người dân được phục vụ tận nhà
Từ nay, khi xin giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký biển số xe và nộp thuế trước bạ khi mua ôtô nhập khẩu... người dân chỉ cần ngồi nhà đăng ký qua mạng. Trước đó, người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông, đăng ký biển số và nộp thuế trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước, đăng ký nhiều thủ tục giấy tờ… trực tuyến qua Cổng DVCQG.
Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30-12-2020 cổng đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Cách đây đúng một năm, Cổng DVCQG do Văn phòng Chính phủ điều hành trên nền tảng Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển được khai trương.
"Cổng DVCQG lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ và làm thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền cung cấp dịch vụ công, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ trước khi bấm nút khai trương 4 dịch vụ trực tuyến mới nhất chiều 30-12.
Kết quả cụ thể nhất có thể nhìn thấy ngay sau một năm vận hành Cổng DVCQG là "tiết kiệm được hơn 6.700 tỉ đồng/năm chi phí xã hội khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến", theo ước tính của Văn phòng Chính phủ.
Nhưng hơn thế nữa, "sau một năm vận hành, Cổng DVCQG góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.
Ứng dụng công nghệ để cứu người bệnh
Cũng trong ngày 30-12, Bộ Y tế đã công bố ra mắt 3 nền tảng ứng dụng chuyển đổi số quan trọng với khám chữa bệnh và dự phòng tại cơ sở y tế tất cả các tuyến: mạng xã hội Y tế Việt Nam, phần mềm quản lý y tế cơ sở V20 và phần mềm quản lý hồ sơ Sức khỏe Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, "đến nay đã có 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa được kết nối, từ đây có cơ sở tuyến dưới thực hiện được mổ cấp cứu sọ não. Trong khi nếu không có khám chữa bệnh từ xa thì chuyển tuyến mất 6 giờ và người bệnh có thể tử vong".
"Có những trạm y tế phải ghi chép 78 cuốn sổ chuyên môn, trạm ít cũng 35 cuốn, có thời điểm 50-70% thời gian là để ghi sổ. Phần mềm V20 với sự đồng hành của Viettel và VNPT đảm bảo kết nối 12.000 trạm y tế sẽ được áp dụng chính thức từ 1-1-2021, sở y tế có thể theo dõi tình hình sức khỏe người dân của từng trạm, từ dinh dưỡng, tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm" - ông Long cho biết.
Và đặc biệt ở mạng xã hội Y tế Việt Nam, mỗi bác sĩ có thể có một tài khoản, tích hợp các chức năng liên quan đến y tế (đơn thuốc, bệnh án...), các bác sĩ có thể bình luận, tương tác, chia sẻ, hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn… thông qua mạng này. "Có sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia tuyến trên, bác sĩ tuyến dưới sẽ tự tin hơn khi thăm khám và chất lượng chuyên môn sẽ tăng" - ông Long dự báo.
Chưa kể ứng dụng công nghệ thông tin đang giúp giảm những phiền hà cho người bệnh. Như ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, 1 trong 11 bệnh viện đầu tiên sử dụng bệnh án điện tử - cho biết người bệnh vào bệnh viện ông hiện nay không cần phải cầm theo bất kỳ giấy tờ gì, mỗi người vào viện sẽ được cấp một mã số, từ đó theo dõi được tiền sử bệnh lý, các thuốc từng sử dụng, nguy cơ tương tác thuốc…
Mục tiêu "mỗi người dân có một bác sĩ"
Là 1 trong 2 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số quốc gia, với sự ra mắt cùng lúc của 3 ứng dụng quan trọng cùng hành lang pháp lý đã được Chính phủ ban hành, chưa bao giờ chuyển đổi số trong y tế lại mạnh mẽ như hiện nay. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chuyển đổi số cũng là để thay đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm trong y tế và mục đích là hướng tới nâng chất lượng khám chữa bệnh.
Đến nay đã có 11 bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử, 23 bệnh viện sử dụng phần mềm PACT chụp chiếu không cần in phim, nhiều thiết bị chẩn đoán, điều trị được đưa vào sử dụng nhờ chuyển đổi số trong y tế: phẫu thuật robot, khám chữa bệnh từ xa…
"Cách mạng 4.0 không còn là điều lạ lẫm, xa vời mà đang hiện hữu. Trong tương lai không xa, một con chip gắn trên da sẽ đồng bộ với hồ sơ sức khỏe mỗi cá nhân, bác sĩ biết tình trạng bệnh nhân. "Mỗi người dân có một bác sĩ" là mục tiêu mà chỉ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới làm được" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Những nền tảng quan trọng nhất của chính phủ số như Cổng DVCQG, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Hệ thống thanh toán; Hệ thống định danh và xác thực điện tử... đều do VNPT xây dựng và phát triển.
Cũng như một số doanh nghiệp công nghệ Việt khác, để sẵn sàng đón đầu lộ trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp trong hệ sinh thái chính quyền số của mình. Bên cạnh việc tư vấn xây dựng các đề án và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh cho các bộ ngành, địa phương, VNPT đã hoàn thiện các nền tảng cụ thể phục vụ chuyển đổi số như giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai...
"VNPT đã triển khai thành công các nền tảng dùng chung cho Chính phủ, bộ ngành, mở rộng triển khai đến các tỉnh, thành phố giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển chính phủ số. Hiện tại ở 63 tỉnh, thành phố đều có sự hiện diện của giải pháp do VNPT cung cấp, trong đó 30/63 tỉnh sử dụng gần như trọn vẹn bộ giải pháp trong hệ sinh thái chính quyền số của VNPT" - ông Huỳnh Quang Liêm, phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, chia sẻ.
Chuyển đổi số bằng công nghệ Việt
Trải nghiệm các giải pháp công nghệ trong y tế tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia - Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khi triển khai chương trình chuyển đổi số, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì các địa phương, bộ ngành cần lựa chọn cách làm ngay, làm toàn diện. "Cách để làm nhanh là sử dụng các nền tảng số. Một nền tảng số có thể dùng chung cho cả trăm triệu người" - ông Hùng nói.
"Về triển khai chính quyền số, không nhất thiết phải làm xong chính phủ điện tử mới làm chính phủ số, mà có thể triển khai ngay chính phủ số từ năm 2021 - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra ngày 29-12 - Các doanh nghiệp công nghệ Việt hoàn toàn có thể cung cấp hạ tầng cũng như các giải pháp, ứng dụng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia".
Theo Tuổi trẻ