60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh

18:37 | 08/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sự tăng trưởng của nền kinh tế góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng kéo theo là những tác động ngày càng nghiêm trọng đến môi trường. Khi đó, vai trò của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng được đẩy lên cao với xu hướng tín dụng xanh.

Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tín dụng xanh là cấu phần trong tháp đầu tư xanh, cung cấp tín dụng dự án đầu tư xanh sẽ tạo ra nghề nghiệp, chứng khoán, tín phiếu, cổ phiếu xanh, tạo ra hệ thống phát triển đầu tư xanh. Đặc biệt, tín dụng xanh cho doanh nghiệp tăng sẽ giảm thiểu phát thải carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh - ảnh 1
 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế  (ĐHQGHN).
Nhìn nhận về khái niệm tín dụng xanh, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế  (ĐHQGHN) cho biết: Việt Nam mới hình thành khái niệm tín dụng xanh khoảng 10 năm nhưng thế giới đã có hàng trăm năm. Tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc đã có các định chế tài chính xanh, đóng vai trò cung cấp tín dụng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm thải CO2. Các định chế tài chính lớn này đóng vai trò quan trọng phát triển tín dụng xanh. Cụ thể, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, tiếp cận mô hình từ dưới lên. Ví dụ Tại Ấn Độ, tín dụng cho sản xuất năng lượng mặt trời tại hộ gia đình được cấp thông qua các tổ chức tài chính vi mô. Trung Quốc thì đi theo hướng phát triển trái phiếu xanh.
Đưa ra bài học cho Việt Nam, theo bà Tú, vai trò Chính phủ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án là rất quan trọng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có đề án phát triển tín dụng xanh. Từ thất bại của một số nước, cần có sự hỗ trợ, kết hợp của cơ quan ban ngành có liên quan, không chỉ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính mà cần có sự chung tay của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xác định các dự án xanh.
Mặc dù, từ năm 2018, điều tra từ nhóm nghiên cứu của bà Tú cho thấy, hầu hết lãnh đạo ngân hàng hiểu rõ về mức độ ưu tiên và ngành nghề, lĩnh vực xanh tại Việt Nam. Nhưng thực tế, có tới 60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh do họ chưa biết có chính sách thúc đẩy đầu tư xanh từ phía ngân hàng thương mại. Nguồn tin chủ yếu của họ từ các dự án môi trường như Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), thông tin từ phía cơ quan nhà nước rất thấp, dưới 50%.
Trên cơ sở đó, bà Tú kiến nghị, Việt Nam nên tiếp cận từ trên xuống, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thông qua hệ thống NH đầu tư vào dự án xanh. Cần xây dựng chiến lược, danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp. Định chế tài chính lớn cần thực hiện trước, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này. Còn đối với các dự án đầu tư xanh, ví dụ EVN đầu tư năng lượng mặt trời, nếu thành công nên nhân rộng sang các mô hình khác. Đặc biệt, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh với lĩnh vực đầu tư xanh, trong đó có các trường đại học của chúng tôi. Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quyết định đến tiêu dùng xanh, từ đó sẽ dẫn tới đầu tư xanh của doanh nghiệp.
60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh - ảnh 2
Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới.
Cũng theo nghiên cứu của bà Tú về hệ số lan toả kinh tế với các ngành khác nhau, ngành khai thác và xây dựng chiếm tỉ trọng đầu tư lớn trong tín dụng của các ngân hàng trong khi chỉ số lan toả tới các ngành hàng khác ở mức thấp nhất và tiêu thụ năng lượng ở mức cao nhất, chỉ số phát thải CO2 lớn nhất. Do đó, các ngân hàng cần điều chỉnh dịch chuyển tín dụng từ đầu tư ngành xây dựng, khai thác sang ngành nông lâm thuỷ sản và dịch vụ để hướng tới tài chính xanh.
Hiện ở Việt Nam, rất nhiều ngân hàng đã và đang có xu hướng lựa chọn theo mô hình phát triển xanh này của thế giới. Trong đó, các ngân hàng đặc biệt triển khai rất nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Trường hợp Nam A Bank đã ký kết với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam là một ví dụ điển hình. Theo đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng. GIZ cũng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo. Ngân hàng cũng thông qua vốn uỷ thác từ tổ chức quốc tế cho dự án xanh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận, ngân hàng thẩm định dự án này không đơn giản, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, không chỉ ngành cho vay mà cả môi trường. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã có cẩm nang hướng dẫn, đánh giá tác động rủi ro và môi trường với hơn 80 ngành nghề khác nhau. Đây mới chỉ là cẩm nang hướng dẫn, chưa tạo ra sự bắt buộc để ngân hàng áp dụng.
Trước đó, trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015, NHNN Việt Nam yêu cầu các NHTM thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.