600 doanh nhân ngồi lại cùng tìm chiến lược tối ưu vượt qua đại dịch Covid -19

18:47 | 15/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thay đổi phương cách quản lý theo hướng ứng dụng công nghệ, tìm hướng đi mới cho sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường… là những cách mà các doanh nghiệp của HAWEE đang áp dụng để “vượt bão” Covid-19.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch Covid-19. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, có tới 85.7% doanh nghiệp bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Điều này cho thấy, sự cấp thiết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi linh hoạt về phương thức hoạt động, tìm hướng đi mới cho sản phẩm… nhằm tạo tác động lên sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Bám sát nhu cầu thực tiễn

Vượt qua những mất mát và thách thức trên quy mô sâu rộng, lần đầu tiên các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thay đổi mạnh mẽ từ bên trong. Đối với một số quốc gia và ngành công nghiệp, biến cố này (đại dịch Covid-19) khiến họ đối mặt với tình cảnh sống còn, trở về vạch xuất phát. Đối với một số quốc gia và ngành công nghiệp khác, biến cố này mở ra cơ hội chuyển mình để đi lên cùng xu thế và nhận thức mới toàn thể.

600 doanh nhân ngồi lại cùng tìm chiến lược tối ưu vượt qua đại dịch Covid -19 - ảnh 1

Diễn đàn lãnh đạo tạo đột phá với chủ đề "ứng biến để vươn mình" do Hội nữ doanh nhân TPHCM tổ chức chiều ngày 14/4 đã thu hút khoảng 600 đại biểu là người lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước tham dự. Ảnh: Đỗ Hùng

Nhằm kết nối và nâng tầm ảnh hưởng của nữ doanh nhân đến cộng đồng thông qua phát triển tư duy lãnh đạo, xây dựng hình ảnh cá nhân và sức mạnh nội tâm, chiều ngày 14/4, Hội nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) đã tổ chức diễn đàn lãnh đạo tạo đột phá với chủ đề “ứng biến để vươn mình” nhằm cập nhật xu hướng, kiến thức mới về mô hình lãnh đạo. Mặt khác, nâng cao năng lực lãnh đạo cho các nữ doanh nhân nói riêng và các nhà quản lý nói chung.

“Việt Nam là một quốc gia may mắn khi đã rất thành công trong việc kiểm soát đại dịch và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả sau đại dịch. Có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang học tốt các bài học về sự thích nghi, ứng biến, linh hoạt; củng cố nội lực, biến nguy thành cơ; cập nhật xu hướng công nghệ, thay đổi một cách sáng tạo để vươn mình trở thành tương lai của khu vực”, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nói tại diễn đàn.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HAWEE, Chủ tịch HĐQT công ty PNJ cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới bước sang một giai đoạn mới. Những tác động mạnh mẽ này đến nay vẫn còn khiến nhiều quốc gia, nhiều ngành kinh tế trên thế giới đứng trên bờ vực của sự khủng hoảng sống còn.

Với sứ mệnh nâng cao hình ảnh, tư duy, sức mạnh nội tâm cho nữ doanh nhân, cùng với tầm nhìn phát triển cộng đồng doanh nhân nữ trong nước và khu vực, HAWEE đã luôn tìm cách để tạo ra những chương trình và hoạt động đem lại giá trị tích cực và hữu ích cho hội viên và mạng lưới của mình, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

“Năng lực lãnh đạo, quản trị trong thời kỳ này đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật, thích nghi và chuyển hoá mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài”, bà Dung khẳng định. Hội đã thực hiện những khảo sát từ thực tiễn doanh nghiệp trong ứng biến với thực tế. Từ đó, xây dựng mô hình ứng biến riêng cho HAWEE.

Nhiều bài học “vượt bão”

Tại diễn đàn, ông Bruce Delteil từ McKinsey Việt Nam chia sẻ: các doanh nghiệp trên thế giới đang điều chỉnh từ mô hình quản trị truyền thống chuyển sang quản trị linh hoạt. Theo đó, các nhà quản lý đều đã có những ứng biến phù hợp, tạo đột phá cho doanh nghiệp của họ trong tình hình vô cùng khó khăn; mang đến những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau.

600 doanh nhân ngồi lại cùng tìm chiến lược tối ưu vượt qua đại dịch Covid -19 - ảnh 2

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về sự "vươn mình" của doanh nghiệp mình. Ảnh: Nguyễn Nam

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam (đơn vị sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính) chia sẻ: ứng biến khác với thích nghi. Sự thích nghi có sự chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa.

“Chủ động làm thế nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để chúng ta vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải có môi trường để phát triển”, ông Hải nói. 

Trong khi đó, ông Lý Huy Sáng, Phó TGĐ công ty gốm sứ Minh Long cho biết, các sản phẩm của doanh nghiệp ông trước đây chủ yếu tập trung cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch, nhà hàng chịu ảnh hưởng. Lượng sản phẩm cung ứng cho nhóm thị trường này của Minh Long cũng giảm đáng kể.

“Với những gì đang xảy ra, cách tốt nhất là doanh nghiệp cần chủ động, luôn sẵn sàng cho sự thích ứng vì ‘bão’ chắc chắn sẽ đến chỉ có điều không biết chính xác thời gian. Năm 2020, gốm sứ Minh Long cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đã kịp thời ứng biến bằng cách chuyển trọng tâm sản phẩm qua những mặt hàng khác. Trong đó, phải kể đến là dòng sản phẩm sứ dưỡng sinh, sản phẩm hướng nhiều đến người tiêu dùng hơn; hướng đến quà tặng cho những doanh nghiệp cần có sản phẩm để quảng bá doanh nghiệp hay đẩy mạnh tiếp cận thị trường”, ông Sáng chia sẻ. 

Với công ty Mỹ Trinh Vân, giám đốc Lê Thị Mộng Trinh cho biết: doanh nghiệp của bà cũng phải thay đổi trong phương cách quản lý và tiếp cận khách hàng. “Là đơn vị cầu nối giữa nhà cung ứng và người dân tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi phải thay đổi cả cách giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, ứng dụng internet, mạng xã hội…để tiếp cận nhiều hơn đến thị trường người tiêu dùng”, bà Trinh nói.

Với ý nghĩa thực tiễn như vậy, ngay sau diễn đàn sẽ có thêm 4 sự kiện đào tạo với quy mô khoảng từ 100 - 150 người do HAWEE tổ chức vào tháng 6, 8, 10, 12 tập trung vào các vấn đề như giúp lãnh đạo thúc đẩy tư duy phát triển; chuyển hóa cơ cấu tổ chức linh hoạt hơn để ứng biến; kết nối nâng cao năng lực đội ngũ mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và cách thức xây dựng văn hóa linh hoạt mà vẫn không mất đi tính tổ chức.

Diễn đàn lãnh đạo tạo đột phá với chủ đề “ứng biến để vươn mình” là một trong những sự kiện thường niên. Đây là lần thứ 3 HAWEE tổ chức. Năm nay, diễn đàn thu hút khoảng 600 doanh nghiệp, nữ doanh nhân đại diện cho 16 Hiệp hội doanh nghiệp, hội nữ doanh nhân, CLB doanh nhân của 16 tỉnh, thành phố tham dự.

Nguyễn Nam