Những thách thức đối với ngành dệt may toàn cầu trong năm 2023
Sau hai năm bùng phát đại dịch COVID-19, các nhà sản xuất dệt may hy vọng có thể phục hồi ngành này trong năm 2022.
Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine đã đặt ra cho các nhà sản xuất, vốn đang rất khó khăn về tài chính, những thách thức mới, từ thiếu thốn năng lượng cho tới biến động giá cả nguyên liệu và sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn Mạng Thời trang (fashionnetwork) cho biết những tháng cuối năm 2022, điện và khí đốt là những thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất dệt may châu Âu.
Nguy cơ đóng cửa các nhà máy ở mức cao trong khi một số nơi nhanh chóng lắp đặt các tấm pin mặt trời để hoạt động.
Giá khí đốt và điện đang là yếu tố gây căng thẳng cho các ngành dệt may châu Âu. Một số nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thành công trong việc tách biệt giá điện với giá khí đốt để kiềm chế chi phí gia tăng do giá khí đốt leo thang.
Trong khi đại dịch COVID-19 khiến gần như toàn bộ ngành dệt may rơi vào bế tắc thì cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, vốn chủ yếu xảy ra ở châu Âu, càng khiến giá cả giữa châu Âu với các thị trường cung ứng lớn khác chênh lệch hơn.
Nếu không có sự can thiệp đáng kể của nhà nước, các nhà sản xuất không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản xuất hiện "làn sóng phi địa phương hóa" quy mô lớn mới.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng về vận chuyển hàng hoá và khủng hoảng nguyên liệu đối với ngành dệt may vẫn chưa có hồi kết.
Chỉ số Harpex - chỉ số mô phỏng sự phát triển giá đối với các tàu container, vẫn cao hơn gần 100% so với mức ghi nhận hồi tháng 1/2020, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp ngành dệt may đang phải đối diện nhiều khó khăn
Xung đột ở Ukraine đã gây biến động đối với giá nguyên liệu trong năm 2022, nhất là với sợi tổng hợp vốn chiếm gần 2/3 lượng sợi dệt được sản xuất toàn cầu.
Kể từ cuộc khủng hoảng bông năm 2010/2011, sợi tổng hợp đã chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất. Trong khi người mua muốn chuyển sang nguyên liệu tự nhiên để đáp ứng nhu cầu khách hàng thì đây lại là vấn đề đối với thị trường bông hiện nay.
Sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng nhận thấy trong việc cung ứng nguyên liệu thô với chi phí gia tăng.
Các đơn đặt hàng trước đây ở Trung Quốc đã được chuyển sang các nước láng giềng như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong chính sách COVID-19 của nước này kể từ tháng 12/2022 có thể làm thay đổi tình hình trong năm 2023.
Người mua sẽ phải lựa chọn nhà cung cấp gần hơn về mặt địa lý hoặc tính tới nhu cầu thực tế để giảm thiểu tác động của chi phí tăng vọt.
Khi giá trị đặt hàng tăng nhanh hơn khối lượng, một số nhà sản xuất lo ngại khối lượng sẽ tiếp tục ở mức thấp ngay cả khi chi phí sản xuất bắt đầu giảm trở lại và điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Ngoài giá năng lượng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và khó khăn về nguồn cung ứng, ngành dệt may còn phải đối mặt với thách thức nữa là khách hàng. Lạm phát buộc khách hàng giảm mức tiêu dùng nhưng vẫn mong muốn sản phẩm chất lượng tốt hơn.
Quần áo, giày dép không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người tiêu dùng như trước đây và những thực tế này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.