7 nhóm nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp tiếp tục xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Theo đó, khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Nhiệm vụ thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nghị quyết đề ra, có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…
Nhiệm vụ thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhiệm vụ thứ năm, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ở nhiệm vụ thứ sáu, Nghị quyết 41 đề ra phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Nhóm nhiệm vụ thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, trật tự xã hội để cộng đồng yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, hợp tác quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thu hút đầu tư.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển".
Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ sáu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ hội để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ bảy, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung-cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Thứ tám, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…