9 tháng đầu năm cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19

13:33 | 06/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại buổi công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm vào sáng 6/10 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Theo báo cáo, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu gần như “chạm đáy” vào quý II. Tuy nhiên, quý III/2020 so với quý trước, nền kinh tế đang cho thấy sự phục hồi trở lại. Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước nhưng các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
9 tháng đầu năm cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 - ảnh 1
Họp báo công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm.
 
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với năm ngoái. TP HCM là địa phương có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 4,3%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với Hà Nội (2,36%).
 
Báo cáo cũng chỉ ra, số người trong độ tuổi lao động quý III là 48,6 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý II nhưng lại giảm 638.900 lao động so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng lại giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ. Như vậy, thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi sau khi chạm đáy ở quý II do tác động từ dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái trước khi có dịch.
 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 24,5% cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với quý trước, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
 
Đồng thời, số lượng lao động từ 15 tuổi có việc làm trong quý III là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ. Trong đó, lao động có việc làm ở thành thị tăng 471.000 người so với quý trước và giảm 77.900 người so với cùng kỳ. Tương tự, chỉ số này ở khu vực nông thôn tăng hơn 1 triệu người so với quý trước nhưng giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ.
 
Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lớn nhất, 32,4%, tương ứng với 17,3 triệu người. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, 31,2%, tương tương 16,6 triệu người, còn lại là khu vực dịch vụ, 19,4 triệu người.
 
Số lao động có việc làm phi chính thức quý II là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, ứng với tỷ lệ 62,9% và 49,5%.
 
Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động quý III đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước nhưng lại giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 6,3 triệu đồng, cao hơn 1,7 triệu đồng so với lao động nữ. Cùng với đó, mức thu nhập bình quân của lao động ở 3 khu vực có tăng, trong khoảng 1,1-7,3% so với quý trước.
 
9 tháng đầu năm cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 - ảnh 2
9 tháng đầu năm cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19.
 
Tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc. Trong đó, 68,9% lao động bị giảm nhẹ thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với gần 69% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với hơn 66% lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.
 
Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý III/2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Do đó, Tổng cục thống kê cũng khuyến nghị: cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
 
Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Hương Lan