ADB: Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á vượt Trung Quốc lần đầu tiên trong 30 năm

Thạch Bình - Hương Thủy (TTXVN) 11:22 | 21/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, đồng thời điều chỉnh triển vọng đối với các nền kinh tế đang phát triển của khu vực châu Á theo hướng đi xuống.

Dù vậy, báo cáo của ADB cho hay đây là lần đầu tiên trong 30 năm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á dự kiến vượt Trung Quốc.

Các nhân tố ảnh hưởng được báo cáo nêu ra bao gồm môi trường lãi suất cao, cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài và chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc.

Trong bản cập nhật triển vọng công bố ngày 21/9, ADB dự báo kinh tế các nước thành viên đang phát triển khu vực châu Á sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, giảm so với mức 4,6% đưa ra hồi tháng Bảy. Mức tăng trưởng dự kiến của năm 2023 cũng bị ADB hạ từ 5,2% xuống 4,9%.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - sẽ giảm xuống 3,3% so với dự báo trước đó là 4%. Sang năm 2023, dự báo cho kinh tế Trung Quốc cũng bị điều chỉnh giảm từ tăng trưởng 4,8% xuống 4,5%. ADB cho hay dịch bệnh xuất hiện rải rác và các biện pháp phong tỏa phòng dịch đã làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong khi đó, ADB dự báo các nền kinh tế thành viên châu Á đang phát triển không bao gồm Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay. Dù con số này giảm so với dự báo hồi tháng Bảy, mức tăng trên vẫn vượt qua tốc độ của Trung Quốc khá đáng kể.

Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên tiếp tục phục hồi nhưng rủi ro vẫn rất lớn. Kinh tế toàn cầu suy giảm đáng kể sẽ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu, trong khi mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển hơn có thể dẫn đến các biến động tài chính.

Do lạm phát và thắt chặt tiền tệ, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Ấn Độ từ 7,2% xuống còn 7%. Dự báo cho năm 2023 cũng bị hạ từ 7,8% xuống 7,2%.

Ngược lại, ADB đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Đông Nam Á từ 4,9% lên 5,1% vì các dự báo lạc quan hơn cho  Indonesia, Myanmar và Philippines đã bù đắp cho các điều chỉnh giảm đối với Singapore và Thái Lan. Sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng của khu vực sẽ giảm nhẹ xuống 5% do dự kiến tăng trưởng toàn cầu yếu đi, các vấn đề của chuỗi cung ứng chưa được giải quyết, Trung Quốc nhiều khả năng duy trì chính sách phòng dịch hiện thời cùng với lạm phát cao.

Đối với Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm nay và 6,7% cho năm 2023.

Dự báo lạm phát cho Đông Nam Á đã được điều chỉnh cao hơn lên 5,2% cho năm 2022 và 4,1% cho năm 2023. Điều này chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, đặc biệt là ở Indonesia, Thái Lan và Philippines, cũng như các các nền kinh tế lớn khác của châu lục.

Về tổng thể, lạm phát trung bình ở các nước thành viên ADB trong năm nay dự kiến sẽ đạt 4,5%, tăng so với mức dự báo của tháng Bảy là 4,2%. Đối với năm 2023, lạm phát được dự báo vào khoảng 4,0%, tăng đáng kể so với dự đoán 3,5% vào tháng Bảy.

Ông Albert Park cho rằng mặc dù tỷ lệ lạm phát của khu vực châu Á thấp hơn các khu vực khác, nhưng việc nguồn cung bị gián đoạn sẽ tiếp tục thúc đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu đi lên. Chính phủ các nước cần duy trì cảnh giác với những rủi ro này, áp dụng các biện pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát song song với duy trì tăng trưởng kinh tế.