Ai được quyền kiện bà Nguyễn Phương Hằng về tội xúc phạm danh dự và nhân phẩm?
Thông tin bà Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi") có những lời lẽ gay gắt, thậm chí mang tính xúc phạm giới nghệ sĩ trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm trong suốt những ngày qua.
Không chỉ nói những lời lẽ gay gắt với NSƯT Hoài Linh, NSƯT Trịnh Kim Chi, Gia Bảo, Cát Phượng, ca sĩ Vy Oanh... bà Nguyễn Phương Hằng còn tuyên bố kiện NSND Hồng Vân và đạo diễn Hoa Hạ.
Sau đó, vào ngày 29/5, đại diện của bà Hằng đã có buổi làm việc với Sở TT&TT TP.HCM, mang theo giải trình do bà Hằng ký. Theo đó, bà Hằng cam kết sẽ không livestream có nội dung, phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hay những ngôn từ gây phản cảm.
Bà Nguyễn Phương Hằng đã dừng buổi livestream vào tối 29/5 nhưng sau đó bà vẫn tổ chức những buổi livestream khác.
Điều đáng nói ở đây là bà Hằng đã có thiện chí khi dừng livestream nhưng không có pháp luật nào cấm bà thực hiện quyền này cả. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm và bà Hằng có quyền livestream nếu bà muốn. Tất nhiên, nếu nội dung bà đăng tải vi phạm pháp luật thì bà Hằng cần phải bị xử lý theo pháp luật.
Liệu những phát ngôn trên mạng của bà Hằng có phạm luật, có vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục? Nếu cho rằng mình bị thiệt hại bởi những ngôn từ của bà Hằng trong các buổi livestream thì người trong cuộc có quyền làm gì, làm như thế nào?
Trên mạng xã hội, trên báo chí có nhiều thông tin cho rằng bà đã có những hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác, hành vi sỉ nhục và vu khống người khác - nhưng chúng ta chưa được thấy những người bị bà "xúc phạm nhân phẩm" mà hầu hết là những người nổi tiếng trong xã hội chứng minh mình bị xúc phạm, vu khống, cũng chưa thấy ai yêu cầu cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền xác minh điều tra xem thông tin bà đưa có sai lệch hay không.
Theo Theo Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020 thì người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân… sẽ bị xử phạt. Để xử phạt được cần làm rõ:
Thứ nhất, các thông tin đã được cung cấp, chia sẻ trên không gian mạng là đúng hay sai, có được cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra chưa. Và những thông tin này có được xem như là một thông tin tố giác tội phạm không. Chỉ khi thông tin trên là sai thì mới có căn cứ để xử lý.
Thứ hai, nếu người livestream dùng phép ẩn dụ để nói thì làm sao xác định được ai là người bị xúc phạm. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong các buổi livestream là chính danh thì mới có căn cứ để xử lý.
Như vậy, những người được chỉ đích danh trong những buổi livestream của bà Hằng hoàn toàn có quyền thực thi công dân của mình. Họ hoàn toàn có quyền thu thập chứng cứ và yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình. Những ai cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự hoàn toàn có thể khởi kiện bà Hằng.
Rất tiếc cho đến giờ cũng chưa có ai lên tiếng.
Chuyết Ngôn