Alphanam E&C (AME) chào bán xong 40 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng 2,6 lần

Diên Vỹ 16:48 | 06/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Alphanam E&C (mã: AME) mới đây vừa gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Theo đó, tổng số cổ phiếu AME trước thay đổi là 25.200.000 cổ phiếu, sau thay đổi tăng lên 65.200.000 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/ đơn vị; tương đương vốn điều lệ tăng từ 252 tỷ đồng lên 652 tỷ đồng sau chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Trước đó, ngày 3/6, Alphanam E&C đã có báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022, trong đó cho biết đã phân phối toàn bộ 40.000.000 cổ phiếu AME đăng ký chào bán, tương đương tỷ lệ 100%, cho các nhà đầu tư trong nước. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 400 tỷ đồng, trừ đi tổng chi phí 194,4 triệu đồng (bao gồm phí tư vấn và phí kiểm toán vốn chủ sở hữu), tổng thu ròng từ đợt chào bán là khoảng 399,81 tỷ đồng.

Danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu AME gồm Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (39.000.000 cổ phiếu) và một nhà đầu tư chuyên nghiệp là ông Nguyễn Minh Nhật (1.000.000 cổ phiếu).

Sau giao dịch, CTCP Alphanam sở hữu tổng cộng 54.120.210 cổ phiếu AME, tương đương tỷ lệ 83,01% vốn, trong khi ông Nguyễn Minh Nhật sở hữu tổng cộng 2.816.815 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,32% vốn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, Alphanam E&C ghi nhận doanh thu trong quý tăng mạnh 168% lên 1.192,68 tỷ đồng từ mức 444,49 tỷ đồng vào quý IV/2021. Lợi nhuận sau thuế dù chỉ đạt giá trị ròng 4,43 tỷ đồng nhưng đã tăng vọt 1.027% so với kỳ trước (quý IV/2021 chỉ đạt 393,2 triệu đồng).

 

Cũng trong quý I/2022, Alphanam E&C ghi nhận tổng tài sản 3.598,6 tỷ đồng, tăng 24% so với mức 2.903,3 tỷ hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 2.293,5 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.305,1 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính đến hết quý I/2022 đã tăng lên 3.249,1 tỷ đồng từ mức 2.558,2 tỷ đồng vào đầu năm, tức tăng 26,2%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.962,3 tỷ đồng, nợ dài hạn là 1.286,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cuối quý I/2022 của Alphanam E&C chỉ 349,48 tỷ đồng, tăng nhẹ từ mức 345,05 tỷ đồng hồi đầu năm. Như vậy, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Alphanam E&C đến cuối quý I/2022 khoảng 9,3 lần.

Hệ số thanh toán tổng quát (Tổng tài sản/ Nợ phải trả) là 1,1 lần. Hệ số thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn trên Nợ ngắn hạn) khoảng 1,17 lần. Hệ số thanh toán nhanh (Tiền và các khoản tương đương tiền + các khoản phải thu + các khoản đầu tư ngắn hạn trên Nợ ngắn hạn) khoảng 0,92 lần. Hệ số thanh toán tức thời (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) khoảng 0,0028 lần.

Sở dĩ hệ số thanh toán tức thời của Alphanam E&C khá thấp là do tiền và các khoản tương đương tiền tính đến hết quý I/2022 giảm mạnh xuống chỉ còn 5,5 tỷ đồng từ mức 25,4 tỷ đồng vào đầu kỳ, chủ yếu do lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính -43,2 tỷ, dù lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 23,3 tỷ đồng; dẫn đến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ -19,9 tỷ.

Lưu chuyển tiền tệ của AME