Triết lý sống của doanh nhân 9X Alphanam
Luôn làm việc vì niềm đam mê
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, CEO 9X Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Alphanam đã chia sẻ quan điểm xung quanh câu chuyện F2 có được coi là doanh nhân hay không.
Theo Ngọc Mỹ cũng như bao nghề khác, doanh nhân lúc sướng thì rất sướng mà lúc khổ thì rất khổ. Gần 2 năm vừa qua, có ai dám nói doanh nhân là sướng? Gánh trên vai công ăn việc làm của vài chục, vài trăm, hay vài ngàn thậm chí vài vạn người lao động thì đều là những người đang tích đức.
Như mình hay chia sẻ, áp lực càng lớn, sẽ có càng nhiều người xung quanh hỗ trợ, cuộc sống công bằng. Doanh nhân làm đầu tiên là để tạo ra sản phẩm tốt hơn cho xã hội. Không có một người doanh nhân nào nghĩ rằng họ bán gì đó ra, chỉ để có lời, mà không có lợi cho khách hàng.
Thứ hai, họ làm vì nhu cầu cuộc sống, nuôi gia đình, nuôi tổ chức, và nuôi chính bản thân. Nuôi ở đây không chỉ là về tài chính, mà còn là nuôi dưỡng tinh thần, nuôi tư duy, nuôi giá trị. Nuôi dưỡng một niềm đam mê, và giấc mơ vươn tới những sản phẩm quốc gia, quốc tế.
Doanh nhân làm vì họ tìm thấy niềm đam mê trong sản phẩm, giá trị từ những lời khen của thị trường. Họ vượt qua mọi lời chỉ trích, thách thức khó khăn đến từ tài chính, nhân sự, pháp lý, và một loạt rào cản hữu hình khác, để đưa được sản phẩm tới tay người dùng, để gửi gắm những nguyện vọng tốt đẹp cho xã hội qua cách họ lựa chọn đường đi, nước bước.
Họ được càng nhiều người quý trọng, đơn giản là vì giá trị của họ được nhiều người cảm nhận được. Đa số những người doanh nhân thành đạt mình biết ánh hào quang tồn tại trên ngòi bút của các nhà báo, còn đằng sau hình ảnh kia là những bước ăn vội vã, là lời lỡ hẹn với bản thân và người thân, và là những tháng ngày trằn trọc không ngủ.
Càng ngày, xã hội kết nối dễ dàng hơn, tạo tiền đề cho nhiều hội nhóm doanh nhân được thành lập. Người nói trào lưu, người nói ham hố hội hè, người nghĩ chạy chức vụ,... Mình nghĩ đơn giản là những người cùng đam mê, cùng sở thích, cùng giá trị sẽ hay tìm đến nhau. Sau khi tìm đến nhau, họ ở lại khi nhận được tình cảm chân thành, cơ hội học hỏi, phát triển, và những người đồng hành trên chặng đường làm doanh nhân.
Có người nói, F2 lớn lên ngậm thìa vàng, chưa được gọi là doanh nhân. Mình không đủ trải nghiệm để phân tích đa chiều, do mình sinh ra đã trong gia đình doanh nhân, không có trải nghiệm khác.
Tuy nhiên, so sánh với bố mình - sinh ra trong gia đình truyền thống nhà giáo, mình nghĩ thế này. Ai sinh ra cũng có quyền tự hào về nguồn cội, về nghề của bố mẹ mình, về truyền thống gia đình mình. Với F2, đó là nghiệp kinh doanh, đó là nghề doanh nhân.
Cái F2 kế thừa cũng đa dạng từng gia đình, tuy nhiên cái lớn nhất phải kể đến văn hoá doanh nghiệp, và giá trị bản thân, cũng như bản lĩnh. Khẳng định, khi bố mẹ mình là doanh nhân, mồ hôi nước mắt làm ra, họ sẽ không tiêu tiền thiếu suy nghĩ và từ đó có thể hiểu sẽ không đặt tài chính vào tay F2 nếu không đủ trình độ.
Xã hội có rất nhiều doanh nhân từng bước đi lên, từng bước được giao thêm trách nhiệm, thêm phạm vi quản lý, đại đa số F2 cũng vậy. Các bạn được thử thách ở những team nhỏ, mô hình nhỏ, và khi thành công được giao những mô hình lớn hơn. Điều khác biệt có lẽ là tốc độ.
Như chia sẻ ở trên, cuộc sống công bằng, khi được giao nhanh, tốc độ đi kèm với áp lực phải phát triển bản thân nhanh hơn, phải hoàn thiện kỹ năng liên tục. Những kỹ năng cần hoàn thiện, những áp lực phải đối mặt, những thách thức để vượt qua, phần chung không khác so với các anh chị em doanh nhân khác.
Điều khác biệt, và là lý do tại sao cộng đồng F2 gắn kết với nhau thêm, là “hoàn cảnh đặc biệt” khi càng lớn, lời gọi sếp át dần lời gọi bố gọi mẹ. F2 có bố mẹ vừa là bệ đỡ, vừa là tấm gương, vừa là những người thầy nghiêm khắc nhất mà phải đối mặt hàng ngày vì nhân viên có thể bỏ công ty mà đi được, còn gia đình thì không.
F2 có phải là doanh nhân hay không, với cá nhân mình không quá quan trọng, vì dù có gọi tên khác, họ vẫn đang là những người đang làm việc hàng ngày hàng giờ, để tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho xã hội, để nuôi dưỡng một thế hệ người Việt Nam đa năng và tử tế hơn, và để sống với chính niềm đam mê của họ.
Không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân
Mình rất tâm đắc một câu nói của Eleanor Roosevelt: "Lãnh đạo bản thân bằng lý trí, và lãnh đạo người khác bằng trái tim." Vận dụng điều này trong cuộc sống và công việc, mình cảm thấy nó phù hợp với mình.
Nhiều năm đầu tiên khi mới bắt đầu, mình luôn cố gắng hoàn thiện mình và so sánh mình với người khác. Ngày hôm nay, mình chỉ so sánh mình với mình ngày hôm qua. Có một điều đáng nói ở đây là xung quanh chúng ta có rất nhiều hình mẫu đàn ông thành đạt, trong mọi lĩnh vực từ nghệ thuật, chính trị, đến kinh doanh. Những hình mẫu phụ nữ ít hơn, nhưng không phải là không có.
Ngày mình nhận ra mình không thể trở thành phiên bản thứ hai của bố, mình quyết định mình sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Không có sự quyết liệt, giọng nói to vang của đàn ông, mình dùng tiếng nói sâu lắng, sự bền bỉ của người phụ nữ.
Mình làm việc nhiều với các bạn trẻ, và hy vọng rằng các bạn hiểu không có một công thức nào cho hình mẫu một người thành công, nam hay nữ. Các bạn được quyền, và có thể lựa chọn cách đi của mình. Bác sỹ tốt không làm cho mình khoẻ, thầy giáo tốt không làm cho mình giỏi. Kết quả cuối cùng luôn phụ thuộc ở cá nhân, bạn muốn gì, và sẵn sàng làm gì để đạt được điều đó?
Những người thành công, ngoài việc có đầu óc, thì đa phần là những người hăng say trong công việc, bền bỉ với mục tiêu và kiên định với tầm nhìn. Covid-19 là nhất thời, nhưng nhu cầu là mãi mãi. Mình nghĩ trong năm nay, mình đã học được rất nhiều, và đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ để chuẩn bị cho mình đối mặt tốt hơn với những thách thức trong tương lai.
Mình học được cách thay đổi tư duy bản thân, để thay đổi tư duy tổ chức, sẵn sàng và linh hoạt trong mọi trường hợp, để mảng bất động sản không đóng băng trong thời kỳ Covid-19. Mình học được rằng, khi khó khăn ngắn hạn, ai ai cũng quay trở về cứu chính mình trước, nhưng khi khó khăn dài hạn, mọi người cứu lẫn nhau, và mọi giá trị nhân văn được nâng cao khi chúng ta không chỉ tập trung vào mục tiêu kinh tế.
Nhân sự là tài sản cốt lõi tạo nên sức mạnh
Theo Ngọc Mỹ, văn hoá doanh nghiệp là sợi dây kéo các nhân sự của Alphanam lại gần nhau và tiến về phía trước. Trước những tác động bởi đạo dịch, gia đình Alphanam đã tạo được thành quả nhất định chính từ sự gắn kết ấy. “Điều này có được là nhờ sự kết dính trong suốt hành trình 26 năm của Alphanam chứ không phải đợi đến khi Covid-19 xảy ra,” Ngọc Mỹ nói. “Ở Alphanam có nhiều thế hệ khác nhau, từ thế hệ 5x cho đến các bạn sinh năm 2000. Câu chuyện của thế hệ của mình là làm thế nào để tất cả các thế hệ của Alphanam cùng có chung một góc nhìn”.
Ngọc Mỹ cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là mỗi cán bộ nhân viên được đánh giá đúng. Việc đánh giá này không dựa trên cảm tính, và cũng không cần phải Chủ tịch, Tổng giám đốc hay Trưởng phòng nhân sự đánh giá, mà bản thân chính hệ thống với các quy trình làm việc đã đánh giá được năng lực nhân sự. Công bằng là nền tảng đầu tiên để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc.
Thứ hai, mỗi người đều hạnh phúc khi cảm thấy được cống hiến hết mình và làm việc đúng trình độ được công nhận. Điều đấy dựa vào việc doanh nghiệp có đánh giá đúng trình độ của họ để giao những công việc phù hợp, giúp mỗi người đều được phát huy hết khả năng của mình hay không. Thứ ba, tạo ra một môi trường có những cộng sự phối hợp ăn ý, biết tạo cho nhau cơ hội. Và yếu tố cuối cùng, cần có lộ trình cho sự phát triển của từng nhân sự, để cùng với tăng trưởng của Alphanam là tăng trưởng của mỗi cán bộ nhân viên. Có như vậy mới tạo ra được môi trường làm việc và phát triển bền vững.
Ngọc Mỹ cũng đề cập đến các chính sách đảm bảo phúc lợi cho cán bộ nhân viên và khẳng định điều đó càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu gây ra sự đứt gãy và xáo trộn nghiêm trọng của nguồn nhân lực. Ở Alphanam, chế độ làm việc linh hoạt là một công cụ hữu hiệu trong thời kỳ giãn cách giúp cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động, giúp nhân viên gắn bó dài lâu. Bên cạnh đó, các chính sách chăm sóc sức khỏe, "bao phủ vaccine" đến 100% người lao động cũng là những hành động thiết thực để nhân viên cảm thấy họ được trân trọng, bảo vệ từ doanh nghiệp.
Ngọc Mỹ nhấn mạnh: “Với tôi, nhân sự vẫn là tài sản cốt lõi làm nên sức mạnh của Alphanam trước mọi khó khăn, thử thách của bên ngoài, và tôi đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo, phát triển nhân sự trong doanh nghiệp. Chỉ có sự đồng lòng mới tạo ra đột phá. Khi mà nhiều nơi có thể “buông súng” thì người Alphanam quyết định tiến lên, tấn công chứ không phòng thủ, để biến chính những giai đoạn trũng đó thành nền tảng, cơ hội cho tương lai. Giống như một câu mà tôi rất tâm đắc: Không bao giờ được lãng phí một cuộc khủng hoảng!”
CEO Nguyễn Ngọc Mỹ (sinh năm 1991) là con gái thứ 2 của Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.
Ái nữ nhà Alphanam đi du học ở Mỹ từ năm 14 tuổi, tốt nghiệp cử nhân kinh doanh tại Đại học Boston danh tiếng và từng xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia NBC, Mỹ.
Hiện Ngọc Mỹ là thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam.
Năm 2017, Ngọc Mỹ có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô cũng xuất hiện ở danh sách 30 Under 30 khi mới 24 tuổi. Cuối năm 2018, nữ giám đốc 9X tiếp tục được tạp chí Timeout vinh danh là 1 trong 10 người có tầm ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam. Từ tháng 6/2020, Nguyễn Ngọc Mỹ đảm nhiệm thêm chức vụ Lãnh sự danh dự cho Iceland tại Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Mỹ được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng. Cô cho rằng, bố mình đã dành hơn 30 năm cho sự nghiệp kinh doanh, chính cô và người anh trai Nguyễn Minh Nhật (1988) sẽ nỗ lực phát triển, trở thành những người kế nghiệp trong tương lai.