Chủ tịch Tập đoàn Alphanam: "Virus sợ hãi" tạo ra sức ỳ lớn đối với doanh nghiệp

07:11 | 29/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nhân tập đoàn lớn cho rằng, đối với doanh nghiệp hiện nay cũng xuất hiện một loại virus mà nó đang tạo ra sức ỳ lớn. Đó là "virus sợ hãi".

Toạ đàm trực tuyến "Tái tạo năng lượng để đột phá" do CLB Doanh nhân Sao Đỏ với sự góp mặt của nhiều diễn giả nổi tiếng đã tham gia tọa đàm như: ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT; ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC...

Buổi tọa đàm dưới sự chủ trì ông Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow; điều phối bởi ông Phạm Đình Đoàn – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.

Tâm thế chính được thảo luận giữa các diễn giả đó chính là "Chuyển sang thời chiến", song hành cùng với đó chính là "nguồn năng lượng" trong mỗi người, gắn với gia đình hậu phương, trong mỗi tập thể và doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng nhất. 

Còn ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam lại ví von rằng cũng giống như cơ thể con người yếu đi khi đối diện với virus, đối với doanh nghiệp hiện nay cũng xuất hiện một loại virus mà nó đang tạo ra sức ỳ lớn đối với doanh nghiệp: Đó là virus sợ hãi.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. 

Tiếp lời ông Hải, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng nhận định rằng "con virus sợ hãi" từng làm cho cả một quá trình dài trước đây và quá trình dịch bệnh vừa rồi, những gì liên quan đến dự án, những việc rất bức bách của doanh nghiệp thì đều dừng lại.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ khóa I, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco đặt vấn đề trước diễn giả và người tham dự: Sau những khó khăn thì đại dịch COVID cũng chính là cơ hội.

Dưới đây là những lý do mà ông Tiền đưa ra cho lập luận của mình:

Thứ nhất là người dân, người lao động được dưỡng sức, nghỉ ngơi và trải nghiệm các sở thích trong cuộc sống, quay trở lại nền tảng văn hóa bản sắc truyền thống của người Việt.

Các doanh nhân trong buổi tọa đàm. Ảnh: Nhịp sống doanh nghiệp

Thứ hai, đó là sự lan tỏa rộng rãi của công nghệ số khi hình thức làm việc online được áp dụng khá thành công trong thời gian qua. 

Theo ông, nhân cơ hội này các doanh nghiệp cần nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số toàn diện. Người đứng đầu Tập đoàn Geleximco lấy minh chứng ngay trong doanh nghiệp của mình, nhờ điều hành dựa vào công nghệ mà vẫn có lãi, công nhân không bị nghỉ việc và có thu nhập ổn định. 

Tiếp nối câu chuyện, đứng từ góc nhìn tập đoàn công nghệ hàng đầu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng: Bối cảnh COVID-19 ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới khi Chính phủ đang chuyển từ trạng thái “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả”.

Ông ví von rằng nếu chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tổng thể của quân và dân thì trong cuộc chiến COVID-19, doanh nghiệp cũng cần được coi là một chủ thể, mỗi doanh nghiệp là một phường, xã. Khi áp dụng chiến lược 3 tại chỗ thích hợp trong vài tuần nhưng không thể làm vậy trong vài tháng được. Do đó, cần phải linh hoạt thích ứng, điều chỉnh. 

Đối với doanh nghiệp, chủ thể cực kỳ quan trọng là phải có "một chính sách thực sự tốt cho chống dịch, tốt cho chúng ta và cho đất nước. Phải làm thế nào an toàn, vừa rẻ tiền vừa hiệu quả". Ông Bình tiếp tục so sánh phong cách điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp cần giống một người chỉ huy chứ không phải như một nhà quản trị đơn thuần. 

Trong cuộc chiến chống dịch dài hơi này, yếu tố doanh nghiệp cần nhất thứ "oxy" là tiền, các đơn vị cần đề nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí lương, điện nước, mặt bằng các chi phí cố định, nhà nước phải bảo lãnh để các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay. Một khi những yếu tố quan trọng như mặt bằng, nguồn lực được bảo vệ… thì quá trình hồi phục sẽ rất nhanh. 

Ông Bình tiếp tục tin rằng, công nghệ là một "mũi tiêm"  có thể bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp không chỉ trong thời dịch bệnh. Công nghệ, hay các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài. 

Trong khi đó, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thì cho rằng, thứ quan trọng hơn cho doanh nghiệp chính là lưu thông. Vấn đề hạn chế giao thương, chia cắt giữa địa phương khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tê liệt. Nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam như du lịch, hàng không, dịch vụ, khách sạn và nhiều ngành nghề khác thì cần việc mở cửa, đi lại được ngày nào là có dòng tiền, tồn tại được ngày đó và giữ chân được người lao động.