Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday

18:27 | 24/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm nay vì dịch bệnh, nhiều cửa hàng truyền thống tại Pháp dự đoán doanh thu sẽ thâm hụt trong dịp Black Friday. Chỉ riêng Amazon có thể lạc quan về doanh số bán hàng.

Doanh nghiệp bán lẻ châu Âu e dè trước Amazon trong mùa Black Friday

 
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã yêu cầu thương mại điện tử và các siêu thị lớn phải hoãn ngày giảm giá Black Friday, đáng lẽ sẽ diễn ra từ 27 - 29/11, để các cửa hàng truyền thống có cơ hội đuổi kịp. Vì các cửa hàng bán lẻ truyền thống khác đều đang phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa.

Nếu ví đây như một cuộc chạy đua giữa thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống, thì Amazon đã bị trọng tài, là chính phủ Pháp, "tuýt còi" yêu cầu chạy chậm lại.
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 1
Trong mùa mua sắm Black Friday năm nay, chỉ riêng sàn thương mại điện tử Amazon là có thể lạc quan về doanh số bán hàng. Ảnh minh họa: Bloomberg

Điều đáng nói, ngày Black Friday vốn không hề tồn tại ở châu Âu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, để cạnh tranh với Amazon, các thị trường tiêu dùng ở lục địa già đã phải thích nghi và đưa vào ngày giảm giá này như một bước đệm ngay trước mùa mua sắm Noel, nhưng thật khó để thích nghi với một ngày giảm giá khuyến mãi của Internet, khi bạn là một cửa hàng thật sự.

Giám đốc Amazon tại Pháp Frederic Duval nói rằng hãng này sẽ dời ngày giảm giá Black Friday sang thứ Sáu tuần sau (ngày 4/12) cùng với nhiều hệ thống siêu thị và bán lẻ lớn khác của Pháp. Tuy nhiên, với nhiều cửa hàng nhỏ truyền thống tại Pháp, động thái này của Amazon cũng không khiến họ cảm thấy được xoa dịu.

"Amazon và chúng tôi không bao giờ giống nhau. Amazon cái gì cũng bán và họ là một nền tảng dịch vụ. Trong khi đó, một cửa hàng là nơi bạn lui tới, bạn khám phá nhiều điều mới mẻ. Còn với nền tảng online, bạn cần gì thì mua nấy, chả có khám phá gì cả", bà Alexandra Flacsu, chủ một cửa hàng sách, cho hay.

"Đối với các cửa hàng bình thường như chúng tôi, Black Friday giống như triệt đường sống vậy. Mọi người cứ lên mạng thấy trang nào cũng giảm giá mạnh và họ kêu chúng tôi bán đắt. Nhưng cửa hàng bình thường như thế này phải trả đủ các loại thuế và phí thuê mặt bằng. Giá nhập hàng đầu vào cũng không hề rẻ", chị Marjorie Colombani, chủ một cửa hàng đồ chơi, chia sẻ.
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 2
Nhiều cửa hàng truyền thống tại châu Âu dự đoán doanh thu sẽ thâm hụt trong dịp Black Friday

Cấm xếp hàng, chen nhau mua đồ - đây sẽ là một mùa Black Friday khác biệt


Black Friday là chiến dịch giảm giá cuối năm lớn nhất của các nhà bán lẻ, cùng với đó là cơn sốt giá rẻ, cuồng mua sắm của người tiêu dùng thế giới. Cảnh tượng người mua xếp hàng từ đêm, chen lấn xô đẩy để mua được những món hàng giảm giá khủng đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đã khác.

Theo các nhà bán lẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến cho ngành bán lẻ truyền thống điêu đứng, đặc biệt trước bối cảnh sự kiện Black Friday. Từ các hãng công nghệ tới cửa hàng thời trang, siêu thị bán lẻ cũng đều chung cảnh ngộ.

Hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon ngày 19/11 thông báo sẽ cùng với một số nhà bán lẻ khác hoãn ngày hội mua sắm giảm giá Black Friday tại Pháp đến ngày 4/12 tới.

Khi thực thi lệnh phong tỏa, tất cả người dân Pháp được yêu cầu ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân cũng được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác. Điều đó có nghĩa, chẳng ai còn hứng thú mà đi mua sắm.
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 3
Black Friday năm nay sẽ không còn cảnh chen nhau mua sắm diễn ra tại nhiều nơi

Bộ Tài chính Pháp trong một tuyên bố ra hôm 19/11 cho rằng việc lễ hội mua sắm Black Friday bị hoãn một tuần sẽ giúp “đảm bảo việc các cửa hàng mở cửa trở lại ở Pháp trong điều kiện an toàn tối đa”.

Trong khi đó, tại Mỹ tình hình cũng không mấy sáng sủa. Scott Rankin, Giám đốc chiến lược bán lẻ và tiêu dùng của công ty KPMG Mỹ, lo lắng: "Tôi không thể hình dung điều đó đang xảy ra trong năm nay"."Với tình hình hiện giờ, rất có thể sự kiện Black Friday sẽ không diễn ra", Rankin nói.

"Tôi không thể tưởng tượng được các nhà bán lẻ sẽ sắp xếp thế nào để chứa cả hàng trăm người trong cửa hàng. Rất nhiều rủi ro có thể xảy ra", ông bày tỏ.

CEO của công ty Macy, ông Jeff Gennette, nêu vấn đề tương tự với các nhà phân tích vào tuần trước rằng lượng khách hàng đông đảo đến mua sắm tại các cửa hàng là mối quan tâm lớn của công ty. Nhưng đối với dịp Black Friday năm nay, sự lo lắng khi tụ tập giữa đám đông của khách hàng sẽ là một trở ngại lớn.

Theo một cuộc khảo sát của Deloitte, gần 51% người mua sắm cảm thấy lo lắng về việc mua sắm tại cửa hàng trong những ngày lễ và 64% dành ngân sách chi tiêu trực tuyến.

Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ và giám đốc điều hành tại GlobalData Retail, thừa nhận Black Friday đang chuyển sang kênh trực tuyến. Nó không còn sự kiện một ngày duy nhất mà diễn ra trong một thời gian dài. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chỉ những người dũng cảm hoặc điên rồ mới ra chen nhau mua sắm ở các cửa hàng”, ông nói.

Black Friday không còn một ngày duy nhất

 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 4
Hạn chế đông người khiến ngành bán lẻ gặp khó khăn

Best Buy cho hay, Black Friday không chỉ là một ngày trong năm nay mà còn kéo dài hàng tháng. Chương trình bán hàng khuyến mại bắt đầu từ 1/11. Vào một số ngày nhất định, hãng bán lẻ này sẽ có chương trình giảm giá sâu đặc biệt cho người tiêu dùng qua kênh trực tuyến.

Tìm cách sống chung với khó khăn, các nhà bán lẻ đang khuyến khích người tiêu dùng mua sắm qua kênh online. Tại Mỹ, các ưu đãi Black Friday thường dành cho mua sắm tại cửa hàng sẽ xuất hiện trực tuyến trong tháng.

Trong khi đó, các cửa hàng mở cửa sẽ yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Một máy bán hàng chuyên dụng dùng để trả lời các câu hỏi của khách hàng mua trực tiếp. Các cửa hàng khuyến khích người tiêu dùng ở nhà mua sắm, các hãng bán lẻ còn giảm giá, thậm chí miễn phí giao hàng.

Hãng bán lẻ Walmart tiết lộ thay vì tổ chức ngày hội mua sắm Black Friday vào một ngày duy nhất, họ sẽ tổ chức ba ngày mua sắm theo cả hai phương thức trực tuyến và tại cửa hàng. Đây là một trong những nỗ lực của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ nhằm giảm thiểu đám đông tới mua sắm tại cửa hàng khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.

Họ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách giới hạn số lượng khách bên trong cửa hàng ở mức 20% trong ba ngày diễn ra sự kiện lớn như đã từng thực hiện trong giai đoạn đầu đại dịch. Các cửa hàng sẽ mở cửa lúc 5 giờ sáng trong ba ngày Black Friday, khách hàng sẽ xếp thành một hàng duy nhất để vào cửa hàng. Các nhân viên sẽ phát xe đẩy hàng đã được vệ sinh cho khách.
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 5
Các cửa hàng khuyến khích người tiêu dùng ở nhà mua sắm, các hãng bán lẻ còn giảm giá, thậm chí miễn phí giao hàng. Ảnh minh họa: AP

Macy's (M) đang quảng cáo nhận hàng trên lề đường, mua hàng trực tuyến tại cửa hàng và giao hàng trong ngày thông qua DoorDash. Còn Target (TGT) cũng đang tăng cường các tính năng an toàn tại các cửa hàng bao gồm thanh toán không tiếp xúc trong ứng dụng, giảm bớt quá tải tại quầy thanh toán họ cho nhân viên đi khắp cửa hàng để thanh toán và người mua đặt trước.

Đại dịch COVID-19 đang làm giảm mức chi tiêu của người Mỹ trong mùa lễ hội cuối năm, cản trở tiềm tàng cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng. Sucharita Kodali - nhà phân tích tại Forrester Research, dự đoán chi tiêu bán lẻ trong mùa lễ hội tới sẽ không đổi so với năm 2019. Doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng 20% đến 25%, nhưng sự sụt giảm mạnh về số người ghé thăm các cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh số chung.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đã trì hoãn việc công bố dự báo mùa mua sắm cuối năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ họ làm vậy với lý do thiếu các chỉ số kinh tế rõ ràng và có thêm nhiều biến số khác, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống và khả năng tái bùng phát của dịch.

Giới quan sát nhận định ngày hội mua sắm Black Friday đã không còn nhộn nhịp như xưa, khi người tiêu dùng giờ đây không còn thói quen đi mua sắm ở các cửa hàng hay trung tâm thương mại.

Thay vào đó, họ đang dần ưa chuộng loại hình mua sắm trực tuyến hơn trước. Theo số liệu từ Adobe Analytics, 39% hoạt động mua bán trên mạng được thực hiện thông qua điện thoại, tăng 21% so với năm ngoái.

Nguồn gốc của ngày Black Friday - Thứ Sáu đen tối?

 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 6
Black Friday là ngày thứ 6 ngay sau Lễ Tạ Ơn (ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày Thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11 ở Mỹ)

Thứ Sáu Đen tối (Black Friday) là "ngày vàng mua sắm" của người dân Mỹ với hàng chục nghìn mặt hàng giảm giá cực lớn.

Thứ Sáu Đen tối là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày Thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11 ở Mỹ, cho nên Thứ Sáu đen rơi vào khoảng ngày 23 - 29/11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ.

Có hai nguồn gốc được cho là hình thành ngày Black Friday hay ngày thứ sáu đen tối hiện nay.

Nguồn gốc thứ nhất là xuất phát từ ngày xưa, để phân biệt cho thuận tiện khi theo dõi sổ sách.

Những người kế toán ở Mỹ thường sẽ ghi số lợi nhuận bằng mực màu đen, số lỗ bằng mực màu đỏ. Bởi vậy rất nhiều doanh nghiệp , đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đều hy vọng sẽ được đánh dấu bằng mực đen, vào ngày Black Friday này.

Ngoài ra, ngày thứ sáu đen còn được coi là ngày mở màn cho mùa mua sắm Giáng sinh (Noel) hay các khuyến mãi tiếp theo như: Cyber Monday, Cyber Week.

Hai là xuất phát vào tháng 1 năm 1966. “Black Friday” là cái tên đã được sở cảnh sát Philadelphia để nói về ngày thứ sáu ngay sau ngày lễ Tạ ơn.

Khi đó, ngay sau lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến, và theo truyền thống được xem là ngày bắt đầu mùa mua sắm Giáng sinh, tương tự như Boxing Day ở nhiều quốc gia Khối thịnh vượng chung.
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday - ảnh 7
Amazon trở thành kênh mua sắm trực tuyến được ưa chuộng nhất hiện nay, đặc biệt trong ngày Black Friday

Vào ngày Thứ Sáu Đen, phần lớn cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ sớm, 4 giờ sáng hay sớm hơn. Thứ Sáu Đen không phải là ngày lễ nhưng nhiều chủ không phải là các cơ sở bán lẻ cho nhân viên của mình nghỉ làm để mua sắm.

Ngay lập tức, giới kinh doanh Mỹ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "in the black" là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát.

Nói đến Black Friday là phải nghĩ ngay đến các chương trình khuyến mãi giảm giá. Hầu như trong ngày thứ sáu đen này tất cả các mặt hàng đều giảm giá. Mức giảm giá các mặt hàng trung bình từ 10% đến 30%.

Tuy nhiên sẽ có những chương trình khuyến mãi giảm giá rất cao. Đây là cơ hội để mua sắm, săn hàng giá rẻ, sở hữu hàng hiệu với giá rẻ hơn so với bình thường.

Do đó việc có vô số người đổ vào các siêu thị hay cửa hàng để tìm mua hàng giá rẻ trong ngày này là rất bình thường. Thậm chí tất cả các đường hay con phố trên nước Mỹ đều đông nghẹt người để tranh thủ mua sắm trong dịp Black Friday này.

Không chỉ riêng người dân ở Mỹ, Black Friday ngày nay còn có ở các nước như Anh, Canada, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha,…
 
Amazon và các cửa hàng truyền thống châu Âu: Cuộc chiến không cân sức mùa Black Friday. Nguồn: VTV
 
Hải Yến