Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 'lớn nhất thế giới'

11:56 | 16/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới vào hôm 16/1, khi quốc gia đông dân này cố gắng kiểm soát đại dịch COVID-19 bằng 2 loại vaccine được sản xuất trong nước.
Những mũi vaccine đầu tiên sẽ được Ấn Độ ưu tiên cho y tá, bác sĩ và những người ở tuyến đầu chống dịch.
 
Vào ngày đầu tiên, dự tính có khoảng 100 người sẽ được tiêm vaccine tự nguyện tại mỗi trung tâm trong tổng số 3.006 trung tâm trên khắp đất nước, Chính phủ Ấn Độ gọi đây là ngày bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới.
 
Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng COVID-19Ấn Độ đã phê duyệt hai loại vaccine COVID-19 được sản xuất trong nước
 
“Đây sẽ là chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới bao gồm toàn bộ chiều dài và chiều rộng của đất nước,” văn phòng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong một tuyên bố.
 
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cho biết họ có thể không cần tiêm vaccine cho tất cả 1,35 tỷ người dân của mình để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cho 1 nửa dân số sẽ khiến chiến dịch tiêm chủng này trở thành một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất trên thế giới.
 
Người dân Ấn Độ sẽ được tiêm 2 loại vaccine COVID-19 gồm vaccine AstraZeneca của Đại học Oxford và một loại do công ty địa phương Bharat Biotech phát triển. Người tiêm sẽ không được lựa chọn mình sẽ tiêm loại vaccine nào, trong khi hiệu quả của vaccine chưa được kiểm chứng.
 
Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, Chính phủ Ấn Độ dự kiến tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người trong 6 đến 8 tháng đầu năm.
 
Khoảng 10,5 triệu người ở Ấn Độ đã bị nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 151.000 người đã tử vong, mặc dù tỷ lệ ca bệnh đã giảm xuống kể từ mức đỉnh điểm vào giữa tháng 9.
 
Đầu tiên sẽ có 30 triệu nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu chống dịch, chẳng hạn như nhân viên vệ sinh và an ninh được tiêm chủng, tiếp theo là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi và người có nguy cơ bệnh nền được tiêm sau đó.
 
Chính phủ Ấn Độ đã mua 11 triệu liều vaccine AstraZeneca COVISHIELD do Viện Huyết thanh của nước này sản xuất và 5,5 triệu liều vaccine COVAXIN của công ty Bharat Biotech.
 
Theo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ, vaccine AstraZeneca COVISHIELD có hiệu quả 72%, trong khi Bharat Biotech cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine COVAXIN dự kiến sẽ có ​​vào tháng 3.
 
H.A (Theo Reuters)